Và theo tôi, chúng ta có đủ lý do để áp dụng quy chế này:
Thứ nhất, quy chế này phù hợp với xu thế chung của nền giáo dục tiên tiến. Nhiều trường đạị học ở Đông Nam Á cũng đang phát triển theo xu hướng chung này.
Thứ hai, giữ vững giá trị của tấm bằng tiến sĩ. Bên cạnh những tiến sĩ được đào tạo ở Việt Nam có chất lượng tốt thì cũng không thể phủ nhận rằng, hiện nay, không ít người vì những lý do cá nhân đã cố để có được tấm bằng tiến sĩ trong khi khả năng của họ chưa thực sự đạt yêu cầu của người có trình độ tiến sĩ (Hàng loạt những luận án tiến sỹ kém chất lượng đã được báo chí đưa tin trong thời gian qua).
Yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế là phù hợp với xu thế. Ảnh minh họa.
Điều này khiến cho giá trị của tấm bằng tiến sĩ bị giảm đi rất nhiều. Bởi lẽ với những kiến thức chưa đủ tầm và người làm tiến sĩ chưa thực sự nghiêm túc mà cũng được vinh danh tiến sĩ thì sự tôn kính đã bị mất đi rất nhiều. Cụm từ “tiến sĩ giấy” được nói ra ngày càng nhiều hơn với thái độ tiêu cực ngày càng lớn hơn là một minh chứng rất rõ về sự suy giảm niềm tin vào giá trị của mọi người về tiến sĩ hiện nay.
Thứ ba, thúc đẩy và tạo ra nhiều cơ hội cho hoạt động nghiên cứu của NCS cả chiều rộng và chiều sâu. Khi yêu cầu công bố quốc tế được thực hiện thì nó sẽ thực sự trở thành một đòn bẩy cho những NCS có khả năng. Việc đáp ứng các yêu cầu về nội dung kiến thức của công bố quốc tế bắt buộc NCS sẽ phải tập trung nghiên cứu sâu, rộng. Và để làm được điều này thì NCS không thể chỉ bó hẹp trong một phạm vi kiến thức nhỏ hẹp mà sẽ cần phải nỗ lực hết mình để tìm hiểu về kho tri thức nhân loại.
Đó chính là cơ hội để NCS tìm hiểu nghiên cứu các tài liệu quốc tế có giá trị cao mà nhờ đó, NCS sẽ biết được rằng sản phẩm nghiên cứu của mình đang ở đâu so với tình hình nghiên cứu chung của quốc tế. Điều này sẽ giúp NCS tránh được tình trạng mất nhiều thời gian để chứng minh một luận điểm tưởng là mới nhưng nó đã được công bố trên quốc tế.
Một số ý kiến cho rằng, CBQT là một giải pháp “mang tính “hớt ngọn” nhất thời nếu không muốn nói là rất ảo tưởng và không thực tế”… và “mặc dù trong quy chế đào tạo tiến sỹ hiện nay có quy định về ngoại ngữ rất khắt khe, như một “hàng rào” để kiểm soát chất lượng” nhưng vẫn bị “đổ”.
Phải thừa nhận CBQT là một “rào cản” nhưng nó là “rào cản” đối với những ai không có khả năng thực sự để xứng đáng làm tiến sĩ. Và đây là một cách sàng lọc tinh hoa rất hiệu quả mà các nơi có nền giáo dục phát triển đã và đang áp dụng. Và tôi không đồng tình với quan điểm này vì một số lý do sau:
Thứ nhất, CBQT không chỉ là một cách để đánh giá khả năng ngoại ngữ - một yêu cầu không thể thiếu nếu muốn tìm hiểu tri thức nhân loại mà nó còn là cách để đánh giá khả năng tư duy khoa học. Không phải chỉ cần biết ngoại ngữ mà phải thực sự thấu hiểu chính xác những tri thức đã có thì mới có thể hình thành được những tri thức mới đúng với sự vận động của xã hội.
Thứ hai, CBQT không đơn giản như việc có một chứng chỉ ngoại ngữ - cái mà hiện nay, không ít nơi nó có thể mua và bán được. Để có thể công bố trên tạp chí quốc tế uy tín, như các tạp chí trong hệ thống ISI hay Scopus, thì tác giả phải đảm bảo được rất nhiều yếu tố, như khung lý thuyết, trình bày một luận điểm mới theo một hệ ngôn ngữ khoa học quốc tế, chứ không đơn giản là viết bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh.
Thứ ba, rất nhiều tạp chí quốc tế không thu phí, như hầu hết các tạp chí quốc tế xuất bản bởi Oxford University Press hay Cambridge University Press. Trong trường hợp tạp chí có thu phí, nghiên cứu sinh có thể xin hỗ trợ của cơ sở đào tạo hoặc các quý quốc gia như NAFOSTED.
Bên cạnh đó, tôi cũng không đồng ý với quan điểm CBQT “chỉ nên bắt buộc đối với một số đối tượng là nhà khoa học thuộc thành phần tinh hoa tại các trường đại học trọng điểm còn các đối tượng khác chỉ nên khuyến khích.” Khi đưa ra lý do này để phản đối việc áp dụng chung về CBQT thì không thể thuyết phục. Nếu đã xác định rằng chỉ nên áp dụng cho những thành phần tinh hoa – những người xứng tầm với tấm bằng tiến sĩ thì mặt khác của ý kiến này cho thấy một thành phần khác không phải là tinh hoa – vậy họ là ai? Làm tiến sĩ để làm gì? Và họ có đủ năng lực thực sự hay không? Đã là một cố gắng để tạo ra một sự tiến bộ thì thiết nghĩ không nên có sự ngoại trừ.
Có lẽ một trong những khó khăn nhất của việc công bố quốc tế ở Việt Nam là nguồn tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, đây không phải là khó khăn không thể vượt qua. NCS có thể thông qua hệ thống thư viện quốc gia, thư viện của cơ sở đào tạo để tiếp cận đến các nguồn tài liệu quốc tế. Trong trường hợp NCS không thể tìm kiếm đầy đủ tài liệu quốc tế từ trong nước để phục vụ cho công tác nghiên cứu thì các thư viện có thể đứng ra hỗ trợ đặt mua hoặc mượn tài liệu từ các thư viện trên thế giới cho NCS.
Tóm lại, công bố quốc tế là cần thiết, là một yếu tố thúc đẩy không chỉ chất lượng đào tạo tiến sĩ, mà còn thúc đẩy sự thay đổi các yếu tố khác trong hệ thống đào tạo bậc cao: chất lượng hướng dẫn, chính sách khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hệ thống thư viện…
Theo Nguyên Phương (Vietnamnet.vn)