Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ba năm, 226 người chết trong các trại tạm giam, tạm giữ

Theo Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2014, có đến 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý.

Tại cuộc họp đoàn giám sát "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật" vừa được tổ chức dưới sự chủ trì của Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Câu chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn ôm theo 100 loại giấy tờ để được giải quyết việc bồi thường oan sai làm nóng cuộc họp khi đoàn giám sát tranh luận với các cơ quan tố tụng về trách nhiệm này.

Ông Nguyễn Đình Quyền: Chính các cơ quan làm oan sai lại đi bồi thường. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại diện TANDTC cho biết, vụ việc đang được TANDTC thụ lý, đang trong quá trình thương lượng vì ông Nguyễn Thanh Chấn đòi số tiền bồi thường lớn, trên 10 tỷ đồng, nhưng giấy tờ chứng minh lại chưa rõ ràng, đầy đủ.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga ái ngại: Cứ thế này không biết đến bao giờ, làm sao gia đình ông Chấn tìm được những cái vé xe thăm nuôi của 10 năm trước. Bà Nga đề nghị có những thủ tục đặc biệt để khắc phục sớm nhất thiệt hại cho người bị oan.

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC, cho biết theo luật định, trách nhiệm bồi thường oan sai của mỗi khâu trong quá trình tố tụng là rất rõ ràng: sai ở khâu điều tra thì công an chịu trách nhiệm, ở khâu truy tố thì thuộc Viện KSNDTC, khâu xét xử là tòa án. Nhưng ông cũng nhận định: "Có những người oan nhưng nghe đến bồi thường là chạy, vì họ cũng không muốn dây dưa".

Ông Nguyễn Hải Phong: Chúng tôi phải tin điều tra viên, kiểm sát viên của mình.    Ảnh: VKSNDTC

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền không chia sẻ nhận định này: "Việc bồi thường thiệt hại hiện nay vô cùng chậm trễ. Lúc làm oan người ta thì các đồng chí vô cùng hùng dũng, khi phải bồi thường thì cớ gì trì hoãn, cò cưa ít nhiều, căn ke từng tí một với người ta, việc xin lỗi, bù đắp kéo dài hàng năm trời chưa xong".

Ngược lại, trong bồi thường oan sai cũng có hiện tượng ngược lại: Khi điều tra, bắt tạm giam, phê chuẩn, truy tố thì làm khá chặt chẽ, bài bản, nhưng khi đình chỉ và bồi thường lại rất dễ dãi.

"Trong một số trường hợp, sơ thẩm tuyên có tội, phúc thẩm chưa đủ căn cứ vẫn tuyên không có tội thế là bồi thường. Chưa đủ chứng cứ để nói nhưng tôi thấy dường như có sự không minh bạch giữa cơ quan tiến hành bồi thường và người được bồi thường", ông Quyền nói.

Theo ông Quyến, một phần nguyên nhân là ở cơ chế: chính các cơ quan làm oan sai lại đi bồi thường thiệt hại. Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đồng tình và gọi đây là "đặt vấn đề không thuận".

"Các thẩm phán, trước đây ngồi xét xử nay lại phải ngồi thỏa thuận bồi thường, khó tránh được tâm lý, khó đi đến thống nhất. Trong khi với người dân, các cơ quan tố tụng đều được hiểu chung là nhà nước. Thủ tục thì rườm rà, người có yêu cầu bồi thường lại phải có nghĩa vụ chứng minh những thiệt hại về vật chất, tinh thần và danh dự. Quy trình vẫn còn dài để người dân từ chỗ có quyết định đến chỗ nhận được tiền", ông Ngọc nói.

Cho rằng bồi thường cho người oan sai "như cứu hỏa", Thứ trưởng Tư pháp đề xuất có một cơ quan chuyên trách việc bồi thường, có thể đặt tại Bộ Tư pháp.

Ông Nguyễn Đình Quyền ủng hộ: Phải có một cơ quan khách quan, tập trung, vì cấp nào bồi thường cũng đều lấy từ ngân sách nhà nước. Nên đặt ở Bộ Tư pháp, cơ quan không làm ra oan sai. Còn việc xin lỗi, sửa sai vẫn là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng ủng hộ đề xuất này.

Trước đó, TANDTC báo cáo trong số 35 trường hợp kêu oan trong giai đoạn 2011-2014, đã giải quyết 22 trường hợp. Kết quả 19 trường hợp tòa xử đúng, 3 trường hợp đã kháng nghị để điều tra lại.

Không có vụ bức cung nào

Tại cuộc họp, các cơ quan tố tụng cũng báo cáo tình hình oan sai trong thẩm quyền của mình, trong đó có vấn đề bức cung, nhục hình.

Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, (Bộ Công an) cho biết trong giai đoạn 2011-2014, có 46 đơn khiếu nại tố cáo là có bức cung, nhục hình, đã giải quyết 40 đơn (37 đơn sai, 3 đơn đúng) và đang giải quyết 6 đơn.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tư pháp chỉ ra: "Bức cung, nhục hình chủ yếu được phát hiện khi bị can, bị cáo bị chết, khi có người khác nhận tội hoặc tìm ra được thủ phạm chính xác của vụ án. Bức cung nhục hình cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến oan sai. Lãnh đạo Bộ Công an có nói nguyên nhân do điều tra viên nôn nóng, nhưng nguyên nhân thực sự là gì, trình độ, phẩm chất đạo đức, áp lực công việc, hay bệnh thành tích...?".

Bà Lê Thị Nga thì muốn biết làm thế nào để xác định có nhục hình, bức cung khi người kêu oan nói có mà điều tra viên thì luôn phủ nhận.

Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh: Với các vụ án đã xảy ra lâu rồi thì việc xác định có nhục hình, bức cung không là rất khó khăn. Khi đó, chúng tôi phải tin điều tra viên, kiểm sát viên của mình.

Có dấu hiệu lạm dụng tạm giữ, tạm giam

Một con số khác do Bộ Công an đưa ra cũng được thảo luận nhiều tại cuộc họp: Từ 2011-2014, có đến 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam.

 Lê Thị Nga: Cơ quan điều tra chú trọng lấy cung thay vì đi tìm bằng chứng.     Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại diện Bộ Công an cho biết nguyên nhân chủ yếu là do tự sát và bệnh lý, nhưng ông Nguyễn Thái Học, Ủy viên Uỷ ban Tư pháp, đặt câu hỏi có hay không "nguyên nhân thứ yếu".

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội cũng muốn có số liệu cụ thể về nguyên nhân của con số này: Nếu là tự sát thì điều kiện tạm giam, tạm giữ ra sao mà tự tử được; Nếu do bệnh lý thì những bệnh như vảy nến, tim, suy nhược..., nếu không bị tạm giam thì có chết không; chết do đánh nhau cũng cần đặc biệt quan tâm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh quyền của công dân được đảm bảo an toàn tính mạng khi bị tạm giam, tạm giữ.

Ông Nguyễn Hải Phong cam kết sẽ báo cáo chính xác vấn đề này trước QH, nhưng cũng nhấn mạnh là "các số liệu rất nhạy cảm".

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường phản ánh tỉ lệ tạm giam, tạm giữ hiện đang rất cao, 60-70%, có những địa phương đến 90%. "Lạm dụng quá việc này cũng là nguyên nhân dẫn đến oan sai, vì đã lỡ tạm giam thì phải cố gắng cho ra tội", ông Cường nói.

Bà Lê Thị Nga cũng thấy có dấu hiệu lạm dụng tạm giữ, tạm giam, thể hiện việc cơ quan điều tra chú trọng lấy cung, lời khai nhận tội, thay vì đi tìm bằng chứng buộc tội hoặc gỡ tội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng không nên để các trại tạm giam, tạm giữ thuộc các cơ quan điều tra nữa, để có thêm một bên giám sát khi hỏi cung, cũng như đảm bảo có mặt luật sư và tiến tới có camera giám sát.