Miếng cơm đổi bằng mạng người
Nhà Cường ở tại thôn 2, xã Thọ Dân (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), ngay cạnh đường quốc lộ 47. Ngôi nhà này vốn đã nhiều năm trong cảnh nghèo, giờ càng lạnh lẽo và ảm đạm kể từ sau cái chết của Cường.
Tiếp chúng tôi là bà nội của Cường nay đã ngoài 80 tuổi và ông Nguyễn Văn Tiến- bố của em, người đàn ông quanh năm ốm đau do từng bị tai nạn vào đầu. Với vẻ mặt buồn thảm, ông Tiến tâm sự về hoàn cảnh gia đình và nhắc nhiều đến đứa con xấu số mà ông hết mực thương yêu.
Gia đình ông Tiến có 6 người, nhưng hiện ở nhà chỉ còn lại hai, vợ và con gái ông đang lao động bên Macao, một người con nữa đang học đại học ở Hà Nội.
Cường trong thời gian làm thuê ở bên Phúc Kiến, Trung Quốc. (ảnh gai đình cung cấp)
Mấy năm trước, khi Cường đang theo học trung cấp xây dựng tại Bỉm Sơn (Thanh Hóa) thì được một người quen giới thiệu sang Trung Quốc làm phụ hồ với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Thấy nhà đã có hai người sang Macao làm việc mà vẫn chồng chất khó khăn nên Cường cùng vài người bạn quyết thử vận may theo đường… vượt biên.
Thế rồi Cường ra đi và biệt tăm đến mấy tháng khiến bà và bố lo đến thắt ruột, ông Tiến tìm cách liên lạc sang bên kia biên giới nhưng không được. Bẵng đi một thời gian, Cường mới điện thoại về và cho biết: “Con cùng nhóm bị người dẫn đường lừa, phải ở lại làm trong xưởng ván ép ở tỉnh Quảng Tây mấy tháng để bù vào tiền công giới thiệu và tiền xe mà chủ xưởng gỗ đã trả trước đó cho người Việt Nam dẫn nhóm con sang”.
Đau lòng trước hoàn cảnh của con ở nơi xứ người, khi đó ông Tiến đã khuyên Cường cố gắng làm trả hết nợ rồi tìm đường về.
Theo lời ông Tiến, khi trả hết nợ cho chủ xưởng gỗ, Cường nghe lời bạn rủ sang Phúc Kiến sản xuất áo mưa với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Gạt đi lời khuyên của bố, Cường thêm một lần đánh bạc với số phận.
Ông Tiến trầm ngâm: “Đến nơi làm mới cháu nó điện thoại về cho tôi, nói rằng hưởng luơng theo sản phẩm, làm quần quật cả tháng 30 ngày công, mỗi ngày 12 giờ, lương cao nhất cũng chỉ 7 -8 triệu đồng mà phải sống chui, sống lủi để tránh công an, đi lại cũng mất tự do. Thà là nó ở nhà đi phụ hồ, ngày làm 8 – 9 giờ với 25 công, tháng cũng có 4-5 triệu đồng, tự do thoải mái”.
Ngôi nhà nhỏ cửa gia đình ông Tiến giờ trở nên lạnh lẽo, kể từ sau khi con trai bỏ mạng nơi xứ người.
Lau giọt nước mắt chảy dài trên má, ông Tiến chợt sẵng giọng: “Nghe con kể bát cơm chan đầy nước mắt, tôi nhất quyết bảo về nhà mà nó không nghe, cứ nói đã đâm lao phải theo lao, cố vất vả 2- 3 năm lấy ít vốn về còn cưới vợ…”.
Thời gian cứ thế trôi đi với 2 cái tết Cường xa quê hương và người thân, cho đến chiều 30 Tết Ất Mùi, khi gia đình ông Tiến đang chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên thì nhận được cuộc điện thoại như “sét đánh” từ bạn của Cường bên Trung Quốc báo về, nói rằng Cường đã chết.
Quá bất ngờ và cũng chưa rõ thực hư, ông Tiến gọi điện cho vợ (bà Lý) ở bên Macao để nhờ người quen bên Phúc Kiến tới chỗ Cường làm việc để tìm hiểu sự tình. Khi biết thông tin là chính xác, bà Lý và con gái lập tức làm thủ tục xuất cảnh, bay từ Macao sang Phúc Kiến để tìm hiểu về cái chết của con trai.
Theo như tìm hiểu của bà Lý, những ngày gần tết lượng công việc nhiều, Cường phải tăng ca làm đêm, thời tiết bên Trung Quốc lạnh giá nên em đã ốm hơn 10 ngày mà vẫn phải làm, bệnh tình vì thế càng trầm trọng.
Vì là lao động ‘chui” nên Cường không dám tới bệnh viện để khám, nghỉ làm thì sợ chủ không thưởng tiền tết, cho đến trưa 30 Tết, khi thấy Cường có dấu hiệu bệnh nặng, các bạn em mới gọi cấp cứu nhưng ngay sau đó Cường đã trút hơi thở cuối cùng. Xe cấp cứu tới, đi cùng là cảnh sát Trung Quốc, các lao động người Việt làm tại xưởng người bị bắt, kẻ lo bỏ trốn.
Gian nan “đưa hồn” về đất mẹ
Tết vừa qua cả gia đình ông Tiến không đón Xuân mà ngóng chờ ngày “đưa hồn” con trai về với quê hương. Họ hàng, làng xóm đến nhà, không phải để chúc mừng năm mới mà chỉ là chia buồn cho số phận bạc bẽo của Cường.
Những ngày sau cái chết của Cường, bà Lý đã làm việc với cảnh sát Trung Quốc, đồng thời liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam để hỗ trợ giải quyết, nhưng đúng vào kỳ nghỉ dài tết Nguyên đán nên mọi việc càng trở nên khó khăn.
Ở bên Trung quốc bà Lý lo thủ tục, ở quê nhà ông Tiến chưa hết bàng hoàng và xót thương, đã phải chạy đốn đáo vay mượn tiền gửi sang cho vợ lo chi phí. Họ hàng, làng xóm thấy hoàn cảnh khó khăn nên chung tay góp được 40 triệu đồng cho ông vay.
Phút thư giãn hiếm hoi của nhân công người Việt cùng làm ở xưởng áo mưa với Cường. (ảnh gia đình cung cấp).
Giọng chùng xuống, ông Tiến tâm sự: “Vợ và con gái tôi mới sang Macao gần 3 năm, dành dụm được ít tiền gửi về thì phải trả vào tiền gốc và lãi vay ngân hàng, vay ngoài trước khi đi Macao làm việc, hàng tháng lại lo tiền gửi cho đứa con trai đang học ở Hà Nội nên kinh tế gia đình vẫn khó khăn lắm”.
Để tìm hiểu rõ hơn về tiến độ giải quyết việc đưa thi hài Cường về nước, chúng tôi liên lạc trực tiếp với bà Lý qua số điện thoại ông Tiến cung cấp. Bà Lý cho biết, được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nên bà đang hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để đưa xác Cường về nước.
Tuy nhiên, do Cường là lao động “chui” nên cơ quan chức năng yêu cầu phải gửi ảnh của cả gia đình và hộ khẩu ở Việt Nam sang. Thêm nữa, việc đưa nguyên vẹn xác Cường về nước là điều vô cùng khó khăn và tốn kém, vì thế gia đình chỉ còn cách là hỏa thiêu rồi mang tro cốt của Cường về.
“Số tiền gia đình gửi sang chỉ là phần nhỏ, bởi chi phí làm thủ tục và tiền xe có thể lên tới gần 200 triệu đồng, tôi phải cố gắng vay mượn bạn bè và chủ lao động nơi tôi đang làm để có thể đưa được con về nước”, bà Lý thông tin qua điện thoại.
Đã hơn một tháng kể từ ngày Cường mất, không khí trong nhà ông Tiến luôn lạnh lẽo. Đôi mắt bà nội Cường đã mờ hơn vì khóc thương cháu, ông Tiến người gầy xạm, sớm tối ngóng tin vợ và chờ đón con.
Căn nhà nhỏ đã được ông dọn sẵn một góc để làm nơi đặt bàn thờ cho Cường. “Con tôi mới bước sang tuổi 25, nó còn quá trẻ. Chỉ vì quyết định sai lầm cho tương lai mà nó đã phải trả cái giá quá đắt, bằng cả mạng sống của mình”, ông Tiến nói mà muốn chực trào nước mắt.