Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bắc Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số, giải quyết tốt chính sách đối với người có công

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công (NCC), thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang đã tích cực đẩy mạnh chuyển đối số, rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết nhanh, chính xác các hồ sơ liên quan, tạo điều kiện để NCC, thân nhân của họ kịp thời hưởng chính sách.

1 (1)

Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, vừa qua, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang đã tổ chức viếng, dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

“Số hoá” lĩnh vực người có công

Vừa qua, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang Nguyễn Tiến Cơi đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Cải cách hành chính nhà nước (CCHC) năm 2023 của Sở. Kế hoạch được xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ trên tất cả các nội dung của CCHC đặc biệt là giải quyết chế độ chính sách đối với người có công.

Theo đó, Sở sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh: tiếp tục đổi mới phương thức chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ, triển khai thực hiện phương thức chi trả không dùng tiền mặt; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ người có công và thân nhân tiến tới phân cấp khai thác, sử dụng thông tin hồ sơ người có công theo các cấp hành chính từ đó nâng cao chất lượng quản lý và giải quyết chế độ chính sách ưu đãi người có công các cấp chú trọng cung cấp Dịch vụ công trực tuyến đối với nhóm TTHC lĩnh vực người có công, đặc biệt là TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông.

Xác định công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, Sở LĐ-TB&XH đã bố trí trang thiết bị, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn; duy trì hiệu quả hoạt động của các ứng dụng chuyên ngành như phần mềm quản lý hồ sơ NCC; quản lý mộ liệt sĩ. Hồ sơ NCC là chứng từ quan trọng, có giá trị vĩnh viễn, là cơ sở để giải quyết chế độ ưu đãi đòi hỏi phải được lưu giữ, bảo quản cẩn trọng nên từ năm 2015, Sở đã đầu tư xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ NCC và đưa vào sử dụng tháng 8/2016.

Hiện thông tin của hàng trăm nghìn hồ sơ NCC đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống, đồng bộ hóa dữ liệu với kho lưu trữ và phân cấp quản lý đến các xã, phường, thị trấn. Trên nền tảng hồ sơ đã được cập nhật vào phần mềm, hiện Sở đang tiến hành số hóa dữ liệu, thành phần hồ sơ của NCC trong tỉnh.

Ông Bùi Quang Phát, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang chia sẻ, chiến tranh qua đi nhưng vết thương để lại vẫn còn mãi. Với hơn 159,8 nghìn hồ sơ đối tượng NCC đang quản lý, những năm qua, ngành LĐ-TB&XH trong tỉnh tích cực thực hiện nhiệm vụ, giải quyết tốt chế độ chính sách đối với NCC và thân nhân của họ, bảo đảm đúng quy định, kịp thời. Qua đó thiết thực thể hiện sự tri ân với những người đã cống hiến tuổi xuân, tính mạng cho Tổ quốc.

Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC; tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc chi trả trợ cấp ưu đãi; xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách đối với NCC với cách mạng.

Cùng đó, huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ NCC khó khăn cải thiện về đời sống, đặc biệt là nhà ở. Sở tiếp tục thực hiện số hóa dữ liệu lĩnh vực NCC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; nâng tỷ lệ hồ sơ nộp mức độ 3, mức độ 4. Thực hiện chuyển đổi số để xây dựng thành công “cơ quan số”, hướng tới phương châm “4 không, 1 có” (làm việc không giấy tờ, không hội họp tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và có số hóa thông tin, dữ liệu).

Theo ông Phạm Trọng Ý, Trưởng Phòng NCC, số lượng hồ sơ lớn, thành phần giấy tờ nhiều, cũ theo năm tháng nên việc số hóa mất nhiều thời gian. Nhưng đơn vị sẽ quyết tâm bảo đảm mục tiêu của tỉnh đề ra, sau số hóa có thể liên kết, chia sẻ thông tin.

Thống kê từ Phòng NCC, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, giai đoạn 2013-2021, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ điều dưỡng cho hơn 95 nghìn lượt người; tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi lại hơn 5 nghìn Bằng "Tổ quốc ghi công" bị hư hỏng, thất lạc; hơn 20 nghìn lượt NCC được giải quyết mai táng phí và trợ cấp một lần.

Cùng đó cấp hơn 100 nghìn thẻ BHYT cho NCC, thân nhân của họ và các đối tượng khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ... Công tác giải quyết các chế độ, chính sách và chi trả trợ cấp hằng tháng, một lần cho đối tượng NCC và thân nhân của họ được thực hiện bảo đảm đúng, đủ, kịp thời.

Trên cơ sở quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hằng năm, Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị rà soát TTHC hoặc nhóm TTHC đang có hiệu lực thi hành, lượng phát sinh hồ sơ nhiều, quá trình thực hiện còn vướng mắc để tham mưu phương án đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết.

Mục đích của Kế hoạch CCHC của Sở LĐ-TB&XH nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại; Cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); đưa ra các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh.

Cải cách hành chính lĩnh vực người có công

Kế hoạch đặt ra yêu cầu: Người đứng đầu các phòng, đơn vị trực thuộc Sở tiếp tục xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các nội dung CCHC phải được triển khai đồng bộ; xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng đề ra. CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá hiệu quả, chất lượng phục vụ của cơ quan, đơn vị.

2 (1)

Thương binh, bệnh binh nặng được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Bắc Giang.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang sẽ kịp thời tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành danh mục TTHC trong lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp và TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Thường xuyên, kịp thời cập nhật, công khai TTHC dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức đặc biệt là người có công tìm hiểu và thực hiện.

Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, tập trung giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; trao đổi văn bản trên môi trường mạng; số hóa kết quả giải quyết TTHC để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại các cấp chính quyền…

Triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành, bám sát các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 433- NQ/TU ngày 04/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 433-NQ/TU, Kế hoạch số 91-KH/TU ngày 14/01/2020 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 17/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử của Sở, tăng cường công tác điều hành công việc trên môi trường mạng. Sử dụng hiệu quả các hệ thống phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông các cấp, phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang.

Để thực hiện thành công Kế hoạch, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch này đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, từ đó tạo sự quyết tâm, đồng thuận hoàn thành nhiệm vụ CCHC nhà nước năm 2023 tại phòng, đơn vị đơn vị. Tiến hành rà soát các quy định, thủ tục hành chính trên lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực người có công để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp. Báo cáo kết quả cải cách hành chính theo quy định.