Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bắc Giang: Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa đến từng ngõ xóm, từng ngôi nhà

Theo bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong tỉnh đã được xã hội hoá, có sức lan toả sâu rộng đến từng ngõ xóm, từng ngôi nhà, được cả hệ thống chính trị vào cuộc và đem lại hiệu quả thiết thực. Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi Người có công (NCC) từ ngân sách nhà nước, các nguồn lực, hình thức thực hiện chính sách ưu đãi ngày càng phong phú, đa dạng, có hiệu quả thiết thực.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NCC 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các chế độ chính sách đối với Người có công NCC được giải quyết kịp thời. Sở đã ban hành quyết định trợ cấp hàng tháng đối với NCC và thân nhân của họ cho 34 trường hợp; Đề nghị truy tặng 12 Bà Mẹ VNAH; Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xác nhận 13 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ mới. Ra quyết định trợ cấp 1 lần đối với NCC hoặc thân nhân NCC cho 452 trường hợp. Ra quyết định trợ cấp 1 lần và MTP đối với NCC hoặc thân nhân người có công: 752 trường hợp. Tiếp nhận và di chuyển 125 hồ sơ người có công.

Việc báo tăng, giảm trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho NCC và thân nhân kịp thời đúng quy định. Bên cạnh đó cũng đính chính thông tin trong hồ sơ NCC và bổ sung tình hình thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ cho 58 trường hợp. Cấp lại thẻ Thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, chất độc hóa học cho 75 trường hợp. Tổng hợp, phân bổ chỉ tiêu điều dưỡng tập trung và tại nhà cho các huyện, thành phố và Trung tâm NCC năm 2019. Bên cạnh đó, Sở cũng đã thống kê danh sách 1.108 bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng từ năm 2004 đến nay gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để biên soạn, biên tập, xuất bản “Những tập thể và cá nhân anh hùng tỉnh Bắc Giang” thời kỳ 2004 đến nay. 

 

 - Ảnh 1Đoàn công tác tỉnh Bắc Giang do đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến đặt vòng hoa, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị


Việc thực hiện Kết luận thanh số 551/KL-TTr ngày 15/11/2018 của Bộ LĐ-TB&XH: Sở đã ban hành Quyết định đình chỉ 22/25 trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Kết luận thanh số 551/KL-TTr ngày 15/11/2018 của Bộ LĐ-TB&XH; Có văn bản gửi Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH xem xét lại 3 trường hợp còn lại; Tổng hợp giấy tờ quân đội của các đối tượng nộp Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH theo yêu cầu. Căn cứ vào Biên bản giảm định y khoa điều chỉnh của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh xác định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể do mắc bệnh đối với 752 trường hợp được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh kết luận tên bệnh, tật, dị dạng, dị tật và xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do nhiễm chất độc hóa học chưa phù hợp theo quy định tại thời điểm khám giám định. Ngày 29/3/2019, Sở LĐ-TB&XH cũng đã ban hành quyết định điều chỉnh trợ cấp đối với 733 trường hợp theo tỷ lệ điều chỉnh của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Bắc Giang (19 đối tượng đã chết) gửi đối tượng theo quy định.

Theo Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, công tác đền ơn đáp nghĩa được duy trì thực hiện tốt, trong dịp tết Nguyên đán năm 2019, Ngành LĐ-TB&XH đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà Người có công. Toàn tỉnh đã cấp đã cấp 81.116 suất quà của Chủ tịch nước, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, UBND xã, quà xã hội hóa với tổng số tiền là 27.080,42 triệu đồng đến NCC và thân nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó  góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NCC trên địa bàn tỉnh. 

Xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2019. Trong 6 tháng cuối năm, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang tiếp tục giải quyết các chế độ ưu đãi đối với NCC, thân nhân NCC và các chế độ chính sách cho đối tượng khác đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2019). Đổng thời tiếp tục thực hiện kết luận Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH.; Xây dựng kế hoạch tập huấn chính sách NCC với cách mạng; Kiểm tra công tác nghĩa trang liệt sĩ; kiểm tra công tác điều dưỡng NCC…

 

 - Ảnh 2Bà Bùi Thị Thu Thủy – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ


Huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho NCC

Theo Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, hiện Bắc Giang đang quản lý khoảng 160.000 hồ sơ NCC. Trong đó có 21.000 liệt sĩ; 22.000 thương binh, bệnh binh; hơn 1,3 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng; còn lại là người hoạt động kháng chiến, nạn nhân da cam. Đến nay, toàn tỉnh còn hơn 28.000 NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong số các gia đình chính sách vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn, đặc biệt về nhà ở cần được hỗ trợ. Thực hiện Quyết định 22/2013 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng, toàn tỉnh có hơn 2,7 nghìn hộ có nhu cầu xây mới, sửa chữa đã được phê duyệt; ngân sách T.Ư hỗ trợ hơn 86 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí hơn 4,5 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản các hộ đã khởi công xây mới, sửa chữa. Một số huyện đã hoàn thành như: Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động.

Nhiều địa phương, đoàn thể có cách làm sáng tạo để tri ân NCC. Như tại xã Tăng Tiến (Việt Yên), từ nhiều năm nay, ngoài xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xã còn thành lập ban vận động ủng hộ kinh phí cải thiện nhà ở cho gia đình chính sách. Đồng thời, lãnh đạo xã trực tiếp vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ủng hộ hoạt động ý nghĩa này. Tại Hiệp Hòa, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động đợt cao điểm ủng hộ, vận động hội viên góp quỹ hỗ trợ NCC sửa chữa, xây mới nhà; chỉ đạo, phân công cán bộ, hội viên ở cơ sở đóng góp ngày công giúp đỡ gia đình chính sách hoàn thành công trình.

 

 - Ảnh 3

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, có 870 liệt sĩ là những người con ưu tú quê hương Bắc Giang, Bắc Ninh (Hà Bắc)


Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, với mức hỗ trợ xây mới 40 triệu đồng/nhà, sửa chữa 20 triệu đồng/nhà thì các gia đình sẽ khó khăn trong việc cân đối kinh phí. Thêm nữa, hiện toàn tỉnh có khoảng 600 hộ NCC khó khăn về nhà ở nằm ngoài danh sách đã được phê duyệt hỗ trợ. Chính vì thế, ngoài lựa chọn đúng đối tượng, khảo sát để tư vấn quy mô phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi gia đình, Sở chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội để huy động tối đa nguồn lực, giúp NCC sớm cải thiện nơi ăn, chốn ở.

Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ NCC cải thiện nhà ở, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, nêu cao mục đích, ý nghĩa để hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng đến mọi người, mọi nhà. Đặc biệt, kêu gọi xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực, trợ giúp gia đình chính sách còn khó khăn được an cư, cải thiện đời sống.

Hà Huyền