Để đảm bảo thực hiện tốt các quyền của trẻ em, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025, từ 2019 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 8 văn bản về công tác trẻ em, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tăng cường truyền thông vận động nguồn lực thực hiện Đề án
Thời gian qua, các sở, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE), vận động nguồn lực theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Công tác tuyên truyền tập trung vào nội dung: Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chương trình, kế hoạch, mục tiêu về trẻ em; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: tuyên truyền trên băng zôn, pano, áp phích; lồng ghép trong các hội nghị, tập huấn; truyền thông lưu động tại các địa phương, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn; in, cấp phát tài liệu, tờ rơi; đăng tải tin, bài, ảnh, phóng sự trên báo, đài, hệ thống loa truyền thanh các cấp...
Tổng hợp một số ngành, đoàn thể tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Dân tộc, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh...) từ 2019-2021, đã tổ chức trên 200 cuộc tuyên truyền, 60 hội nghị, hội thảo, chuyên đề về BVCS&GDTE, trong đó lồng ghép công tác vận động xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho khoảng 110.000 lượt người tham gia. In và phát hành hàng nghìn tài liệu, tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền về nội dung Luật Trẻ em; chung tay vì trẻ em nghèo; công tác vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Các cơ quan báo chí, hệ thống loa truyền thanh các cấp đã đăng tải, tuyên truyền hàng nghìn tin, bài, phóng sự, chuyên mục về công tác BVCS&GDTE; chung tay vì trẻ em nghèo; không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; cho đi là còn mãi; tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em; lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều; xuân yêu thương… Các hoạt động tuyên truyền, vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Một số kết quả đạt được
Thời gian vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em, đặc biệt trẻ em ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức truyền thông lưu động tại các địa bàn khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; in, cấp phát tài liệu; đăng tải tin, bài, ảnh, phóng sự trên báo, đài, trang điện tử của Sở; đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động nguồn lực từ các tổ chức, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về trẻ em....
Tặng quà cho 3.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo; 12 thiết bị đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non; hỗ trợ 23 trẻ em phẫu thuật tim bẩm sinh... với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Tặng 400 suất đồ ấm cho 400 trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trị giá 200 triệu đồng từ nguồn vận động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hỗ trợ 01 tỷ đồng cho 1.000 trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tại các cơ sở tập trung từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức vận động được trên 10 tỷ đồng, nguồn quỹ vận động được dành cho các hoạt động: cấp học bổng cho 824 trẻ; hỗ trợ 05 công trình nước sạch cho trường mầm non và Tiểu học khó khăn; tặng 210 xe đạp, 25 xe lăn, trên 3.500 suất quà và các hỗ trợ đột xuất khác; phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức bàn giao công trình trường Tiểu học Nghĩa Phương, huyện Lục Nam và thiết bị học tập...
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tích cực vào cuộc, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các tiết học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ gạo, sách vở và chi phí học tập; phối hợp với ngành Y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ mầm non; đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe định kỳ (02 lần/năm học) và theo dõi sự phát triển thể lực theo quy định; thực hiện đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới...
Sở Y tế tổ chức tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn thực hành phòng, chống suy dinh dưỡng, cân trẻ, chấm biểu đồ cho phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi, có con suy dinh dưỡng; hỗ trợ thực phẩm và truyền thông thay đổi hành vi cho các mô hình giáo dục và phục hồi dinh dưỡng, trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng (trong tình trạng khẩn cấp), giảm bệnh thông thường của trẻ dưới 5 tuổi thông qua cải thiện thực hành nếp sống vệ sinh môi trường và điều kiện tiếp cận đến dịch vụ y tế...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lồng ghép nội dung BVCS&GDTE trong hoạt động của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư và phát triển, cơ bản đáp ứng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10/10 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 5/5 huyện có Hội trường Nhà văn hóa đa năng (Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Lục Ngạn); tổ chức tuyên truyền lưu động tại cơ sở 25 buổi, chiếu phim tuyên truyền 105 buổi cho trên 90.000 lượt người xem...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp vận động nhân dân tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em; nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết thiếu nhi 01/6, năm học mới, Tết Trung thu và thông qua chương trình: Tết sum vầy, San sẻ yêu thương, Chia sẻ cùng em thơ vượt qua đại dịch… đã ủng hộ xe đạp, sách vở, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh nghèo vượt khó trong đó có trẻ em là người dân tộc thiểu số và miền núi để đi học với số tiền gần 400 triệu đồng.
Ban Dân tộc tỉnh tổ chức vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em, phối hợp với các địa phương trong việc đánh giá nhu cầu cần hỗ trợ cho trẻ em; nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi 1/6, năm học mới và Tết Trung thu, đã vận động được gần 2,5 tỷ đồng. Nguồn vận động được dành cho các hoạt động tặng quà, cấp học bổng, tặng xe đạp, quần áo ấm cũ và mới, mũ, khăn ấm, tất… cho 9.100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vươn lên trong cuộc sống, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em thuộc vùng dân tộc thiểu số; xây mới 08 điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi; 01 nhà Khăn quàng đỏ; trao tặng các máy lọc nước sạch công nghệ Nano cho trường tiểu học khó khăn...
Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cũng tổ chức vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua Chương trình Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo đã hỗ trợ cho gần 500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vươn lên trong cuộc sống, trẻ em nghèo, cận nghèo trị giá 867 triệu đồng (bằng tiền mặt và quà); hỗ trợ về dinh dưỡng và y tế tại các trường học đang gặp khó khăn về dinh dưỡng do ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Việc hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhân văn, thể hiện đậm nét truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta, qua đó giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi… có cuộc sống và học tập trong điều kiện tốt hơn, bảo đảm quyền trẻ em theo quy định.