Tặng quà hơn 35 nghìn Người có công
Các trường hợp NCC được tặng quà gồm: Gia đình liệt sĩ; thương binh, bệnh binh; Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy (còn sống); người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp (đối tượng phơi nhiễm trực tiếp); thương binh, bệnh binh (58 người) đang được nuôi dưỡng tại hai Trung tâm: Điều dưỡng NCC tỉnh và Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang. Mỗi suất quà trị giá 700 nghìn đồng.
Đến thăm, tặng quà ông Đỗ Hữu Bình (SN 1950), thương binh 81% và ông Ngô Nguyên Hà (SN 1941), thương binh 51% (phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang), Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những cống hiến, hy sinh của các thương binh, bệnh binh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bí thư Tỉnh ủy động viên người có công khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ anh hùng, nêu gương sáng động viên gia đình góp sức xây dựng quê hươn; đề nghị các cấp, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác "Đền ơn đáp nghĩa" nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cho biết, theo Kế hoạch Triển khai nhiệm vụ NCC năm 2021, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Sở đã tham mưu và tổ chức chu đáo việc tặng quà của Chủ tịch nước, Chủ tịch tỉnh đến đối tượng NCC với cách mạng; Chuẩn bị và tổ chức chu đáo công tác thăm và tặng quà của các đồng chí lãnh đạo tỉnh tới các đối tượng NCC tiêu biểu, các đơn vị nuôi dưỡng tập trung thương bệnh binh trong và ngoài tỉnh; Tham mưu, tổ chức các đoàn đại biểu của tỉnh, ngành đi thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh nhằm tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc.
Cũng theo ông Cơi, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch về việc thực hiện số hóa, chỉnh lý, sắp xếp hồ sơ người có công; thực hiện khảo sát, đánh giá, xây dựng phần mềm quản lý liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh.
Hỗ trợ đời sống gia đình chính sách
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", cùng với thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước với người có công, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Từ đó, nhiều hoạt động tri ân được triển khai, góp phần hỗ trợ đời sống các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo thống kê của Phòng NCC, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, tỉnh hiện đang quản lý hơn 160,1 nghìn hồ sơ NCC, trong đó còn gần 26,5 nghìn NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Nhằm bảo đảm mục tiêu mức sống của gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC luôn bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, ngoài thực hiện tốt chính sách, các cấp, ngành, địa phương còn tích vận động xây dựng Quỹ. Trung bình mỗi năm, Quỹ các cấp quyên góp được gần 1,5 tỷ đồng, ưu tiên kinh phí tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, giúp vốn, cây con giống… cho gia đình chính sách khó khăn.
Những ngày đầu tháng 7, tại xã Liên Sơn (Tân Yên), đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ công trình tu sửa Nghĩa trang liệt sĩ xã. Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do kinh phí hạn hẹp nên hằng năm, xã chưa có điều kiện sửa chữa. Năm nay, từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh (600 triệu), UBND huyện (100 triệu) và khoảng 200 triệu xã đối ứng, công trình được khởi công từ giữa tháng 6 gồm các hạng mục: Sửa kỳ đài; lát sân, bậc lên xuống, đường vào mộ; tôn tạo các phần mộ...
"Nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nơi an nghỉ của liệt sĩ mà còn là công trình văn hóa, lịch sử mang đậm giá trị nhân văn. Vì vậy, sau khi hoàn thành việc tu sửa, chúng tôi sẽ phân công các hội, đoàn thể thường xuyên quét dọn, làm đẹp nhằm bảo đảm sự trang nghiêm, thể hiện sự tri ân của thế hệ sau với những người đi trước", ông Tú nói.
Để NCC ổn định đời sống, nguồn Quỹ các cấp ưu tiên dành hỗ trợ trường hợp khó khăn về nhà ở. Đơn cử như ông Nguyễn Xuân Quyết (SN 1954) ở thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (Hiệp Hòa). Xuất ngũ trở về địa phương với vết thương ở chân, ông được hưởng chế độ bệnh binh 2/4, chất độc da cam 65%. Dù làm ăn chăm chỉ nhưng cuộc sống gia đình ông vẫn gặp nhiều khó khăn, căn nhà cũ đã xuống cấp song không có điều kiện sửa chữa. Trước hoàn cảnh đó, huyện, xã trích Quỹ hỗ trợ gia đình ông 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới.
Xã hội hoá, phát triển nguồn Quỹ
Trao đổi với ông Phạm Trọng Ý, Trưởng phòng NCC được biết, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm, Sở LĐ-TB&XH tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các địa phương mở đợt cao điểm vận động xây dựng Quỹ. Trên cơ sở đó, rà soát những địa phương có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang, NCC hoàn cảnh khó khăn để ưu tiên hỗ trợ.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Dũng lại tổ chức phát động đợt ủng hộ, đóng góp Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".
Năm nay, tiếp nối truyền thống, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và các trường học trong huyện đóng góp ít nhất một ngày lương để ủng hộ. Số tiền kêu gọi được khoảng 200 triệu đồng/năm được chi cho hoạt động hỗ trợ xây nhà, trao quà cho NCC vào các ngày lễ, tết.
Đặc biệt, cũng từ nguồn quỹ này, vào dịp 27/7, Phòng chỉ đạo các nhà trường tổ chức chương trình ngoại khóa về chủ đề thương binh, liệt sĩ. Qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ.
Không chỉ các cấp, ngành, địa phương tri ân NCC mà các doanh nghiệp cũng dành nhiều sự quan tâm chăm lo đến gia đình chính sách. Điển hình như Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa), trung bình mỗi năm, đơn vị dành khoảng 200 triệu đồng để ủng hộ Quỹ cấp huyện. Cùng đó, hỗ trợ xây từ 2-3 nhà tình nghĩa, tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng, giúp NCC ổn định đời sống.
Tiếp tục huy động các nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn Quỹ, ông Bùi Quang Phát, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, về xã hội hoá, phát triển nguồn Quỹ để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, người có công.