Nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả
Để đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh thì việc trang bị kỹ năng về bảo vệ trẻ em nhằm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em và dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là một trong những giải pháp quan trọng, được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Trong đó, công tác thông tin, phổ biến các quyền cơ bản của trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em trước thiên tai, dịch bệnh… được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp, phát hành tờ rơi, phát động cuộc thi tìm hiểu, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng...
Ngoài ra, nhiều mô hình tuyên truyền được triển khai nhân rộng như: Mô hình điểm “Tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới; mô hình “Nhóm cha, mẹ trong chăm sóc phát triển trẻ thơ giai đoạn từ 0 - 8 tuổi” thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo và thôn Nà Hỏi, xã Phúc Lộc...
Bên cạnh đó, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng cho trẻ em. Trong dịp hè, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức “Trại hè kỹ năng sinh tồn” năm 2021 cho các em thiếu nhi từ 10 - 14 tuổi tham gia, nhằm trang bị cho các em kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường tinh thần đoàn kết, chia sẻ tình cảm cộng đồng và trải nghiệm thực tiễn. Tại Chương trình, các em được hướng dẫn các kỹ năng sinh tồn như: Trang bị sinh hoạt nơi hoang dã; các bước dựng trại cơ bản, cắm trại trong rừng; sử dụng túi cứu thương; chế tạo bếp, tạo lửa, làm chín thực phẩm với vật dụng từ thiên nhiên; phân biệt thực vật tự nhiên ăn được, động vật, côn trùng nguy hiểm; hành quân đường rừng; kiến thức về tài nguyên nước; sinh tồn dưới nước....
Tại các địa phương cũng tổ chức nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả, tạo được môi trường, sân chơi lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của các em. Trong đó nổi bật như các mô hình: “Bãi tắm an toàn cho thiếu nhi”; mô hình “Lớp bơi an toàn” huyện Na Rì; công trình “Cắm biển báo khu vực nguy hiểm” phòng, chống đuối nước huyện Ba Bể; mô hình Hội thi trực tuyến “Thiết kế trang phục bảo vệ môi trường” huyện Ngân Sơn...
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và các nguy cơ về thiên tai, dịch bệnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội về kiến thức phòng chống dịch bệnh Covid-19, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em, như tổ chức hướng dẫn cho các em cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với biện pháp 5K; hướng dẫn phòng, chống các bệnh mùa hè như bạch hầu, chân tay miệng; duy trì nếp sống 3 sạch, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh tại gia đình; kỹ năng phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em... đảm bảo cho trẻ em được sống lành mạnh, an toàn trước mọi nguy cơ của dịch bệnh.
Ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể tỉnh cũng tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu… hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em các kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn để trẻ em tự bảo vệ mình, được trang bị kỹ năng phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Tại các đơn vị trường học đã tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống ma túy; phòng chống HIV/AIDS; giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; phòng chống xâm hại, bạo lực, phòng chống đuối nước cho trẻ em. Học sinh các bậc học còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế để nâng cao hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện các kỹ năng trong cuộc sống.
Công tác bảo vệ trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực
Với sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, cùng với các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả, công tác bảo vệ trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực, hầu hết các địa phương đã quan tâm xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ (phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ). Các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến gây tổn hại cho trẻ em được phát hiện, can thiệp sớm. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ kịp thời. Số lượng và tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số nhận được sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em được giải quyết kịp thời, các đối tượng xâm hại trẻ em bị xử lý nghiêm minh, góp phần tạo dựng và bảo vệ môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em.