Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bạc Liêu: 100% xã phường thị trấn đạt tiêu chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em

Là một trong những tỉnh/thành trên toàn quốc đã triển khai việc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (XPPHVTE), hơn 10 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã liên tục xây dựng XPPHVTE theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gần đây nhất là Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

 Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam trao quà cho trẻ em.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Lê Thị Ái Nam trao quà cho trẻ em.

Kết quả đáng ghi nhận

Mới đây, thực hiện chương trình công tác năm 2022, đoàn kiểm tra của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) do ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Bạc Liêu kiểm tra tình hình thực hiện công tác trẻ em. Cùng đi có lãnh đạo và chuyên viên Phòng Phát triển và Tham gia của trẻ em (Cục Trẻ em). Đoàn kiểm tra đã làm việc với Sở LĐ-TB&XH và các ban, ngành liên quan của tỉnh Bạc Liêu, Ủy ban nhân nhân thị xã Giá Rai, Ủy ban nhân dân xã Phong Thạnh.

Đoàn công tác đánh giá cao và ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, cụ thể của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong việc ban hành văn bản, tổ chức thực hiện đầy đủ quy định của Luật Trẻ em, các nghị quyết, chương trình, đề án về trẻ em được thực hiện một cách toàn diện, có chiều sâu, có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp; sự tham mưu kịp thời của Sở LĐ-TB&XH và các ngành liên quan trong việc giải quyết các vấn đề về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với các giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương.

Công tác truyền thông được thực hiện đa dạng, phong phú, nhiều loại hình; công tác nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên và trẻ em được quan tâm. Công tác phối hợp liên ngành tốt, chặt chẽ. Tỉnh đã quan tâm bố trí ngân sách cho công tác trẻ em, xây dựng, hỗ trợ duy trì các mô hình cho trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã từ nguồn kinh phí của địa phương.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ phụ cấp cho cộng tác viên làm công tác trẻ em với kinh phí là 139.000 đồng/người/tháng; thực hiện tốt công tác kiểm tra liên ngành về các quy định của pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Giang trao quà cho trẻ em.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Giang trao quà cho trẻ em.

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Để triển khai thực hiện công tác trẻ em nói chung và việc đánh giá, công nhận XPPHVTE nói riêng tại địa phương tốt hơn, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung:

Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ quy định của Luật Trẻ em, các nghị quyết, chương trình, đề án về trẻ em.

Cấp tỉnh đã củng cố ban điều hành về bảo vệ trẻ em, tuy nhiên chưa đồng đều ở các cấp, cấp huyện, cấp xã còn chậm so với cấp tỉnh. Cần chỉ đạo rà soát, hướng dẫn về quy chế làm việc, phân công trách nhiệm của từng ngành, xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, tổ chức họp giao ban định kỳ và đột xuất giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên trong việc liên thông kết nối giữa các ngành về công tác trẻ em; vai trò điều phối, đôn đốc của ngành LĐ-TB&XH trong việc phối hợp liên ngành về công tác trẻ em cũng như thu thập dữ liệu liên quan từ các sở, ngành từ đó tham mưu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp về công tác trẻ em phù hợp.

Cần đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông các vấn đề về trẻ em đến từng hộ gia đình, từng lớp học, từng khóm ấp; đề nghị các ngành tại địa phương tăng cường tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ tại cấp huyện, xã.

Đề nghị tỉnh cân đối ngân sách theo nguyên tắc ưu tiên bố trí cho trẻ em để giải quyết các vấn đề nóng như xâm hại trẻ em, đuối nước trẻ em và một số vấn đề được xã hội quan tâm. Tăng cường ngân sách đầu tư các hoạt động về phòng, chống đuối nước trẻ em và thiết chế vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Nghiên cứu, tham mưu nâng phụ cấp cho cộng tác viên làm công tác trẻ em, tiếp tục duy trì mô hình cộng tác viên làm công tác trẻ em.

Vấn đề đuối nước trẻ em, ngoài nguồn kinh phí vận động, đề nghị Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách cho hoạt động này.

Số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn đã giảm, tuy nhiên vẫn cao so với một số địa phương khác. Đề nghị Sở LĐ-TB&XH ưu tiên công tác phòng ngừa về bạo lực, xâm hại trẻ em, sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành, việc bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, truyền thông nâng cao nhận thức đến người dân nhằm phát hiện sớm, tố giác sớm khi xảy ra các trường hợp bị bạo lực, xâm hại và tăng cường truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111.

Về việc trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật, đề nghị tỉnh quan tâm vì sau dịch Covid-19 xuất hiện nguy cơ trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật trong một số ngành như chế biến thủy sản, dệt may.

Về việc chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19, đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần điều phối nguồn lực để bảo đảm công bằng, hợp lý, không phân biệt giữa trẻ em mồ côi khác hay mồ côi do Covid-19. Về vui chơi, giải trí cho trẻ em, đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường hướng dẫn, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; tập huấn, hướng dẫn, các kiến thức, kỹ năng cho bí thư đoàn cấp xã tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, phụ trách trẻ em trong dịp hè.

Bảo đảm quyền trẻ em trong việc tranh chấp quyền nuôi con, trẻ em có 02 quốc tịch, trẻ em là con phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Đề nghị Sở Tư pháp làm việc, xin ý kiến Bộ Tư pháp để giải quyết các vấn đề trên.

Về chăm sóc trẻ em trong và sau đại dịch Covid-19, tỉnh cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần, kết nối cơ sở y tế, trung tâm công tác xã hội và trường học thực hiện quy trình quản lý trường hợp để triển khai tham vấn, tư vấn tâm lý - xã hội trong trường học.

Giải quyết các vấn đề về trẻ em thông qua các mô hình, tổ chức đánh giá và bố trí kinh phí để duy trì mô hình. Đề nghị địa phương bố trí ngân sách để đối ứng khi tiếp nhận các dự án để triển khai mô hình tại địa phương.

100% xã phường đạt tiêu chuẩn XPPHVTE

Đoàn công tác đánh giá cao và ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, cụ thể của Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện đánh giá, công nhận XPPHVTE theo Quyết định 06/QĐ-TTg.

Việc thực hiện XPPHVTE của tỉnh được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Thực hiện tốt các tiêu chí về giáo dục, y tế; việc tổ chức đánh giá, công nhận XPPHVTE thực chất. Năm 2019, tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em là 64/64 xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 100%.