Qua thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, 7 huyện, thị, thành phố có 79.388 lao động tự do. Ngoài ra, còn có hơn 4.300 đối tượng là người đang mang thai và đối tượng đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi.
Cũng theo quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu, ở nhóm lao động tự do, địa phương này hỗ trợ các đối tượng như: người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch,…
Người làm công lột tôm, đi ghe lưới, kéo tôm; thợ hồ, phụ hồ; hớt tóc, làm tóc, làm móng tay, chân; tài xế, lơ xe, chạy đò chở khách; giúp việc nhà, bảo vệ, tiếp thị, phụ bán hàng; lao động làm việc tại các cơ sở nghề truyền thống đan đát,…
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, thời gian hỗ trợ cho các đối tượng 50.000 đồng/người/ngày, trong vòng 28 ngày.
Liên quan đến công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bạc Liêu đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bạc Liêu thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã tham gia xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH để nắm bắt tình hình hoạt động của Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng, đảm bảo chính sách tín dụng ưu đãi được công khai, minh bạch; đồng thời tích cực hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn được nhanh chóng, kịp thời.