Là tỉnh thuộc Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nằm ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc với dân số trung bình khoảng 905.438 người, dân số trong độ tuổi lao động 645.785 người, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân 486.378 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo 52,08%.
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm luôn được các cấp, các ngành tỉnh Bạc Liêu quan tâm triển khai thực hiện. Bên cạnh, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành trung ương về chính sách cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch để cụ thể hóa triển khai thực hiên đồng bộ chính sách cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhất là việc ban hành Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 về Chương trình Việc làm và Giảm nghèo bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 về việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020…
Tính đến tháng 9/2018, tổng nguồn vốn đạt 64.538 triệu đồng. Tổng dư nợ: 63.358 triệu đồng, giảm 1.400 triệu đồng so với đầu năm.
Doanh số cho vay giai đoạn 2016 - 2018 là 65.784 triệu đồng. Trong đó: năm 2016 là 21.583 triệu đồng với số hộ là 1.913 hộ; năm 2017 là 25.864 triệu đồng với số hộ là 2.157 hộ; năm 2018 là 18.337 triệu đồng với số hộ là 778 hộ.
“Đặc biệt, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Việc làm trong việc phân bổ nguồn vốn và hướng dẫn nghiệp vụ về hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, người lao động tiếp cận nguồn vốn vay tạo việc làm từ chính sách ưu đãi của Nhà nước, góp phần tạo việc làm, ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập và đời sống của người lao động. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã đầu tư nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, giảm nghèo bền vững của địa phương” - Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Được vay vốn, nhiều hộ nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi
Số cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay vốn còn hạn chế
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vũ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm vẫn còn một số hạn chế tồn tại.
Nguồn vốn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân tại địa phương. Từ năm 2016 đến nay không tăng trưởng nguồn vốn cho vay.
Công tác vay vốn mới tập trung ở các hộ gia đình, số cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay vốn còn hạn chế; mức cho vay thấp, chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập ở một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, thương mại, tiểu thủ công nghiệp; một số dự án sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, chưa thực sự tạo việc làm cho người lao động.
Việc triển khai cho vay vốn đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ còn ít, thực tế triển khai còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn. Từ đó chỉ tiêu của tỉnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt thấp.
Lao động thuộc diện cho vay theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP để đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng đa số không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng về sức khỏe, tay nghề… Trong khi người lao động thuộc diện khác thì không được hỗ trợ cho vay vốn.
Việc phối hợp triển khai nguồn vốn chưa đồng bộ của các cấp các ngành (cấp vốn, phân bổ, thủ tục vay vốn…) còn nhiều khó khăn đối với người thuộc diện được vay vốn.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để người học nghề, người lao động tiếp cận được nguồn vay. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở dạy nghề, các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo mọi điều kiện để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm tại địa phương và đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tăng cường bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; cải cách thủ tục hành chính, quy trình cho vay; nâng cao chất lượng tín dụng; hướng dẫn mô hình, cách làm hiệu quả cho hộ gia đình để sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao cho hộ gia đình và người lao động.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuật lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi doanh được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm để tạo nhiều việc làm mới cho lao động địa phương.