Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bạc Liêu: Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả nhờ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

Cùng với việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, công tác cho vay để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những chương trình tín dụng đem lại hiệu quả cao trong việc thoát nghèo bền vững.

Có thể nói, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được triển khai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có được việc làm, ổn định được cuộc sống, có điều kiện để duy trì và mở rộng sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu, nguồn vốn ủy thác này chủ yếu thực hiện cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn và đi lao động ở nước ngoài theo Chương trình việc làm của tỉnh.

Với Doanh số cho vay bình quân hàng năm đạt trên 50 tỷ đồng/năm góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm bình quân trên 10.000 lao động/năm.

Nhiều mô hình làm ăn, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã… đã được duy trì và phát triển như: mô hình đan đác ở huyện Phước Long, huyện Hồng Dân; làng nghề Rèn ở huyện Hồng Dân; tổ hợp tác làm Muối trải bạt ở huyện Đông Hải… đồng thời nguồn vốn GQVL kịp thời hỗ trợ cho các hộ vay thiếu việc làm có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm; làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là hết sức cần thiết với người dân tại địa phương, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có được việc làm, ổn định được cuộc sống, có điều kiện để duy trì và mở rộng sản xuất để vươn lên làm giàu. Hiệu quả của những mô hình sản xuất trên cũng cho thấy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã giúp giải quyết tốt bài toán việc làm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, hạn chế tình trạng “vay nóng” với lãi suất cao từ các tổ chức tín dụng đen. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ các hộ vay có điều kiện mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Người dân làm thủ tục vay vốn để duy trì và mở rộng việc làm

Người dân làm thủ tục vay vốn để duy trì và mở rộng việc làm

Không chỉ thế, khi nguồn vốn ưu đãi này được phát huy còn góp phần cùng với các nguồn lực khác để tập trung đầu tư cho xây dựng nông thôn mới (NTM) như: đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia, trường học, nhà văn hóa... Đồng thời giúp các địa phương giảm tỷ lệ thất nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ngành nghề và hướng đến đạt các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, khi tạo được việc làm, giảm được tỷ lệ thất nghiệp còn hạn chế được các tệ nạn xã hội đối với những đối tượng không có việc làm và thất nghiệp

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác “Giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” cho người lao động trên địa bàn tỉnh, cũng như thực hiện tốt chất lượng tín dụng chính sách trong thời gian tới,  Chi ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách đặc biệt quan tâm đến đối tượng người lao động từ các tỉnh, thành phố do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đã trở về địa phương để tiếp tục sinh sống và tìm kế mưu sinh, có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, duy trì, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát trong việc sử dụng vốn vay, hiệu quả mô hình, dự án tại cơ sở để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các trường hợp sai sót trong quá trình thực hiện.