Cầm 50 triệu đồng được NHCSXH huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) giải ngân cho vay chương trình giải quyết việc làm, chị Nguyễn Thị Thu, thôn Trạc Nhiệt, xã Yên Giả phấn khởi cho biết, có vốn, chị sẽ đầu tư mua giống để vào vụ cá tiếp theo. Gia đình chị hiện có 1,5 mẫu thả cá và trồng cây ăn quả. Năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi, sản phẩm khó tiêu thụ, giá thấp trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao. Tuy nhên, nhờ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi được giải ngân kịp thời đã hỗ trợ gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi.
Tại huyện Thuận Thành, anh Đỗ Viết Quyết, xã Nguyệt Đức cũng được vay 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Thuận Thành để đầu tư mô hình VAC tổng hợp.
Gia đình anh Nguyễn Đình Dương, thôn Đăng Triều, xã Trừng Xá huyện Lương Tài cũng được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện nâng mức cho vay vốn chương trình giải quyết việc làm lên 300 triệu đồng để mở rộng mô hình kinh tế trang trại. Hiện trang trại gia đình anh nuôi 8.000 gà giống lai Hồ, đầu tư 6 máy ấp trứng; trung bình mỗi tháng xuất bán khoảng hơn 8 vạn con, giá bán hiện tại 11.000-12.000 đồng/con. “Dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi, tôi rất mừng được NHCSXH giải ngân vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu, tạo động lực tiếp tục phát triển sản xuất”- Anh Dương chia sẻ.
Ông Hoàng Trọng Cường, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Ninh cho biết, chương trình cho vay vốn quốc gia giải quyết việc làm là một trong số các chương trình tín dụng chính sách kết hợp với nguồn vốn tại địa phương, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Hầu hết các dự án vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống và kinh doanh tổng hợp. Trong tổng số các dự án cho vay, dự án thuộc kinh tế hộ gia đình chiếm hơn 80%. Theo thống kê từ năm 2020 đến nay có khoảng 12.000 lao động của tỉnh Bắc Ninh có việc làm mới thông qua vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/lao động/tháng. Tuy nhiên, ông Cường cho biết, hiện tại, nhu cầu vay vốn của người dân lớn, tuy nhiên nguồn còn hạn hẹp. Nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất cho người dân, Chi nhánh đã đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay mở rộng việc làm, tạo cơ hội nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã thẩm định giải quyết cho hơn 8.000 đối tượng vay vốn tạo việc làm và ổn định thu nhập từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, trong đó có hơn 3.200 lao động được tạo việc làm mới.
Nhằm quản lý nguồn vốn vay, phân bổ đúng đối tượng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ quan có liên quan tại địa phương trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay vốn tại địa phương; xây dựng Dự thảo đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2027 trình UBND tỉnh. Đặc biệt, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế như: Lao động là người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 200 lao động là người khuyết tật, gần 1.600 lao động nữ nông thôn.