Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bắc Ninh tháo gỡ “nút thắt” cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch

Là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4, ước tính có đến hàng chục nghìn người lao động tại Bắc Ninh bị ảnh hưởng, rơi vào tình cảnh mất việc làm, mất thu nhập, cuộc sống bấp bênh. Tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ổn định sản xuất trở lại với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động

Để thị trường lao động hồi phục, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, doanh nghiệp phát triển, nhiều nhóm giải pháp  đa dạng đang được Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh và các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai. Nổi bật là các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ đạt gần 96 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho 6.740 đơn vị; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với hơn 1.300 người lao động; chi trả tiền hỗ trợ cho hơn 3.300 người lao động ngừng việc, hơn 4.000 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc đối với 6 đơn vị và cho vay trả lương phục hồi sản xuất với 19 đơn vị… Các chính sách trợ giúp này được ví như “liều thuốc” trợ lực cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn phục hồi sản xuất.

Công nhân bị ngừng việc tạm thời do dịch Covid-19 nhận trợ cấp.

Công nhân bị ngừng việc tạm thời do dịch Covid-19 nhận trợ cấp.

Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, để giúp các doanh nghiệp bắt tay nhanh vào triển khai khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp đang gặp phải. Trong đó bám sát thực tế hoạt động của các doanh nghiệp để điều chỉnh linh loạt, giúp doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh tặng quà hỗ trợ công nhân lao động khó khăn

Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh tặng quà hỗ trợ công nhân lao động khó khăn

Với quan điểm sản xuất phải an toàn, mỗi doanh nghiệp là một “pháo đài chống dịch”, phát huy những thành quả chống dịch đã đạt được, duy trì chuỗi sản xuất, bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở sản xuất tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp, nguyên tắc chống dịch và tuyệt đối không tuyển lao động thời vụ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hướng dẫn cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động, kể cả lao động ở tỉnh ngoài theo quy trình đơn giản, vừa đáp ứng phòng chống dịch vừa sản xuất. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng triển khai hàng loạt các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, ngăn chặn nguy cơ dịch quay lại, như tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân để địa phương bảo đảm an toàn chống dịch và phục hồi kinh tế.

Công nhân tại Bắc Ninh được tiêm vaccine phòng, chống Covid -19

Công nhân tại Bắc Ninh được tiêm vaccine phòng, chống Covid -19

Song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bắc Ninh cũng triển khai một loạt các giải pháp hỗ trợ công nhân, để người lao động an tâm gắn bó với nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể, tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất duy trì nghiêm việc tổ chức ăn 3 bữa cho công nhân tại nhà máy; thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường”; thành lập các “Tổ hỗ trợ công nhân”; thiết lập hệ thống quản lý, bố trí người lao động theo 3 cùng (cùng ở - cùng làm phân xưởng/tổ -cùng ăn). Tại các khu lưu trú của công nhân đều có Tổ an toàn Covid-19 quản lý, có camera giám sát kiểm soát, hạn chế sự tiếp xúc từ bên ngoài và yêu cầu công nhân không ra khỏi nơi ở sau 21 giờ....

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, thực hiện chủ trương của Trung ương là thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ “vùng xanh của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp; cải cách thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, sửa đổi quy chế quản lý khu công nghiệp; hằng tháng giao ban với Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,... Đồng thời, Bắc Ninh triển khai các giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, với phương châm vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phục hồi, phát triển sản xuất trên địa bàn.

Và giúp người lao động có nhiều lựa chọn tìm việc

Ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết, giải pháp lâu dài để ổn định thị trường lao động vẫn là tăng cường kết nối cung - cầu lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động. Sở chỉ đạo đơn vị trực thuộc tiếp tục khai thác mở rộng thị trường lao động sang các tỉnh lân cận có nguồn lao động lớn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp; cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu tuyển dụng, chế độ, chính sách, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ người lao động của các công ty, doanh nghiệp qua các kênh truyền thông, tuyển dụng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về cung - cầu lao động; điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm phù hợp với tình hình mới.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh tư vấn việc làm, chính sách lao động cho người lao động.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh tư vấn việc làm, chính sách lao động cho người lao động.

Theo ông Vũ Tiến Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn lâm vào tình trạng thiếu lao động. Ước tính từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh sẽ thiếu từ 30 - 35 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, tập trung ở một số ngành nghề, lĩnh vực như điện tử, may mặc, thương mại...

Để khắc phục, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp “trợ lực” giúp thị trường lao động dần hồi phục. Hơn 2 tháng nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng cao. Tính từ đầu tháng 9/2021 đến nay, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có 308 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, với hơn 20 nghìn chỉ tiêu việc làm. Nhiều doanh nghiệp cần tuyển số lượng lao động lớn như: Tập đoàn Foxcom, Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ cần 3.000 lao động, công ty TNHH ITM Semiconductor Việt Nam, KCN Vsip cần tới 5.000 lao động... Tuy nhiên việc tuyển nhân sự khá khó khăn.

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp tăng cao

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp tăng cao

Khắc phục tình trạng này, nhiều hình thức thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nỗ lực triển khai. Bên cạnh duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm tất cả các ngày trong tuần, Trung tâm đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến qua website, facebook, thư điện tử và điện thoại... Với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, Trung tâm sẽ giới thiệu người lao động xuống trực tiếp doanh nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian, giảm thiểu khâu đi lại giữa doanh nghiệp và người lao động. Ngoài ra, Trung tâm chủ động tham gia các phiên giao dịch việc làm online kết nối với các tỉnh khu vực phía Bắc, liên tục cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên các trang thông tin trong và ngoài tỉnh, đồng thời đề nghị doanh nghiệp đưa ra các chính sách hỗ trợ lao động tỉnh ngoài về Bắc Ninh làm việc như: Hỗ trợ chi phí đi lại, phí xét nghiệm Covid-19, chi phí cách ly, tăng lương, thưởng… nhằm nâng cao hiệu quả hút lao động.

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ngày 28.10, anh Đỗ Văn Linh (31 tuổi, ở nhà trọ ở Xuân Đỉnh, Hà Nội) đã nắm bắt trước những yêu cầu của nhà tuyển dụng ở vị trí kỹ thuật của một số công ty, anh lựa chọn 2 doanh nghiệp để tìm việc là Công ty Cổ Phần Việt Chuẩn (Khu công nghiệp Nam Thăng Long) và Công ty TNHH Đông Hải (Bắc Ninh). Tại điểm phỏng vấn trực tuyến ở Trung Kính (Cầu Giấy), anh Linh được kết nối online với nhà tuyển dụng. Sau khi tham gia phỏng vấn, anh Linh chắc chắn mình có thể “trúng” cả hai công ty. Song anh nghiêng về Công ty ở Bắc Ninh do gần quê của mình. Anh tâm sự, nếu không có công nghệ, kết nối phỏng vấn xuyên các tỉnh, có thể tôi vẫn chưa tìm được cơ hội làm việc gần nhà.

Thời gian tới, chương trình tuyển dụng việc làm tại Bắc Ninh tiếp tục được các đơn vị đẩy mạnh thực hiện qua hình thức livestream trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội facebook hay một số kênh liên kết, phối hợp khác, nhằm kết nối người lao động bị mất việc, cắt giảm hoặc luân chuyển việc làm… với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Qua đó, không chỉ giúp người lao động có cơ hội học tập, tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống… mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, có phương án ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh trong điều kiện mới.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ