"Có 2 con đường lây lan của loại nCoV (corona) này: Con đường thứ nhất là tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn. Con đường thứ hai là đụng chạm, sờ tay vào các chất trong vùng hầu họng của người bệnh, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi miệng", TS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy – chia sẻ tại buổi phỏng vấn trực tuyến về bệnh viêm phổi do nCoV do báo điện tử VnExpress tổ chức.
Chúng tôi xin trích lược các giải đáp chi tiết về cơ chế lây lan của virus 2019-nCoV dưới đây:
Đi cùng xe với người nghi nhiễm virus thì có đáng ngại không?
Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí.
Cách lây lan của virus là qua đường giọt bắn và qua đường tiếp xúc khi giọt bắn chạm vào vật dụng mà chúng ta chạm phải, khiến virus đi vào đường hầu họng, hô hấp. Bạn lo lắng là đúng nhưng không nên hoảng sợ.
Chúng tôi lấy ví dụ 3 trường hợp mà bệnh viện tiếp nhận: Người vợ tiếp xúc với ông chồng trước người con nhưng không phát bệnh. Điều này chứng minh điều gì? Dù khoa học chưa chứng minh yếu tố thuận lợi để nhiễm bệnh, nhưng không phải ai tiếp xúc với người bệnh cũng mắc bệnh. Tôi không nói bạn cứ yên tâm, nhưng vấn đề là trong số những người tiếp xúc có người mắc bệnh và có người không. Với người mắc bệnh, trong vòng 14 ngày, bạn có thể sẽ phát bệnh nếu thực sự nhiễm virus.
Trong vòng 14 ngày này, bạn cần tự theo dõi. Một là xem xem mình có sốt không, ho sổ mũi, đau người hoặc bất cứ bất thường nào, đặc biệt là triệu chứng sốt. Khi khởi phát sốt, có thể là kéo dài, có thể là thành cơn, kèm theo ho, khạc đàm, đau họng, cần phải tới ngay cơ sở y tế để khám bệnh và được theo dõi.
Trong thời gian này, bạn đang lo lắng và nghi ngờ có thể nhiễm bệnh. Do đó, cần tránh đến nơi đông người, để giảm rủi ro phát tán, đặc biệt lưu ý khi tiếp xúc thành viên gia đình. Bạn nên đeo khẩu trang thường xuyên để hạn chế nhiễm bệnh và tránh làm văng giọt bắn, chất thải qua đường hô hấp có thể đem theo lượng virus lớn ra bên ngoài.
Virus có lây truyền trong không khí hay không?
Đại học Hong Kong công bố những hình ảnh đầu tiên về quá trình phân bào của virus 2019-nCoV. Ảnh: Bloomberg.
Trong y tế chúng tôi phân 2 loại: Một là giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc. Khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu, ở đây khoảng cách khoảng 2 mét. Trên 2 mét thì bạn có thể tránh được.
Loại thứ hai là khí dung. Kích thước và trọng lượng của một số loại virus rất nhẹ, nó có thể lơ lửng trong không khí khi mình ho, nó có thể bị gió thổi bay từ chỗ này sang chỗ khác. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh xa hơn, bán kính rộng lớn hơn. Chúng ta cần hiểu rõ hai loại này.
Với câu hỏi này, tôi hiểu là bạn đang hỏi ở loại thứ hai: Liệu nó có thể bay trong không khí không? Thì tôi xin khẳng định là không có chuyện đó. Virus này không đủ nhẹ để bay. Chỉ khi nào giọt bắn tiếp xúc trực tiếp với bạn thì mới có khả năng. Điều này cũng giải thích cho chuyện vì sao mang khẩu trang thông thường cũng có thể ngăn ngừa được, vì khẩu trang có thể cản được giọt bắn.
nCoV có lây qua giác mạc?
Về lý thuyết, khi nhiễm virus vào vùng giác mạc, khả năng lây nhiễm vẫn có. Ví dụ nếu trong vòng 2 mét, người nhiễm virus ho trúng vào mắt, virus tiếp xúc giác mạc, thì vẫn có thể lây nhiễm. Còn nếu khoảng cách trên 2 mét thì khả năng rất thấp. Tuy nhiên với loại nCoV này, đến nay chưa có bằng chứng cho con đường lây truyền này.
Bệnh có lây qua đường ăn uống không?
Corona là một họ gồm nhiều loại virus mà nCoV đợt này là một loại virus biến chủng của nó. Họ virus này thường gặp trong gia súc, mèo, rắn, dơi, lạc đà... Khi biến chủng vì một lý do đặc biệt, nó có thể lây sang người. Do đó, đầu tiên cần hiểu rằng nguồn gốc của nó là động vật, nó có sẵn trong những loài động vật này.
Nếu chúng ta ăn thức ăn không chín, có thể nhiễm bệnh. Do đó, con đường ăn uống là con đường bỏ ngỏ, có thể gặp. Với riêng loại này, chưa có bằng chứng cụ thể là nó lây qua ăn uống, nhưng mình cần hiểu cơ chế như thế. Do đó con đường ăn uống cũng hoàn toàn có thể. Vì vậy, bạn cần chú ý ăn thức ăn chín, không được ăn sống.
Nguy cơ lây nhiễm virus corona của việc sử dụng bát đĩa đũa khi ăn ở hàng quán có thể xảy ra không? Và nếu có thể thì cách phòng tránh như nào?
Chưa có báo cáo hay bằng chứng cụ thể về virus lây lan qua dụng cụ ăn uống thông thường. Nhưng tôi xin trả lời theo suy luận logic. Khi người bệnh ho, thở, có giọt bắn ra bên ngoài, bắn vào các vật dụng, dụng cụ, bao gồm tô chén đĩa muỗng... Nếu như bạn tiếp xúc phải, rồi chạm lên miệng, mũi... thì khả năng lây nhiễm là có.
Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là việc tuân thủ đúng phương pháp phòng hộ cá nhân. Vật dụng nào các bạn nghi ngờ thì không nên tiếp xúc. Còn lại, vật dụng nấu chín ở nhiệt độ 80-100 độ C trong 5 phút thì có thể diệt được virus.
Nếu gặp người nhiễm bệnh thì tiếp xúc trong bao lâu sẽ lây và thời gian ủ bệnh là bao lâu trước khi phát bệnh ra ngoài?
Thời gian ủ bệnh biến thiên từ 1-14 ngày. Một báo cáo gần đây của các bác sĩ Trung Quốc dựa trên 425 bệnh nhân ở Vũ Hán, thời gian ủ bệnh trung bình là 5-7 ngày. Ngoài ra, 14 ngày là giới hạn cuối cùng để xác định có bị lây bệnh hay không.
Virus corona mới sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao?
Đặc tính rõ nét của virus nCoV cho đến nay chưa có thông tin chính thức là ở nhiệt độ nào thì nó bị tiêu diệt. Đây là một chủng trong dòng họ Coronavirus, do đó có đặc tính chung của dòng này. Đó là phát triển ở nơi có nhiệt độ thấp và ẩm, thường dưới 25 độ C, chung cho cả dòng Coronavirus.
Nhiệt độ ở Việt Nam, cụ thể TP HCM trên 28 độ C là một sự hạn chế với con virus này. Điều này cũng đồng nghĩa với "thiên thời", giúp ngăn dịch bùng phát mạnh hơn. Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, con virus có thể sống trong giọt bắn của người bệnh, nếu nhiệt độ thấp, thì sức sống của nó rất lâu đến vài giờ. Nhưng trong môi trường vừa có nắng, vừa nhiệt độ cao, thì chỉ trong 3-5 phút nó có thể bị tiêu diệt, giúp khả năng lây nhiễm giảm đi nhiều.
Hệ số nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong của corona mới có tương tự như SARS?
Theo PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Pasteur TP.HCM, bước đầu chúng ta thấy vi rút 2019-nCoV có cơ chế xâm nhập tế bào tương tự virus SARS.
Tuy nhiên, có sự khác biệt về sự lây truyền bệnh trong khi nCoV hiện nay cho thấy 1 người có thể lây cho 2 người khác thì ở SARS lây truyền từ 1 người có thể cho gần 3 người.
Ngoài ra tỷ lệ tử vong cũng có sự khác biệt giữa 2019-nCoV và SARS lần lượt là 2,2% so với 10% - chênh lệch gần 5 lần, nhóm đối tượng nguy cơ tử vong của nCoV là người già và bệnh mạn tính, còn trên SARS là tăng lên dần theo độ tuổi.
Thời gian ủ bệnh cũng là một yếu tố rất được quan tâm và có cũng có sự khác biệt rõ ràng, trong khi SARS ủ bệnh là 5 ngày (dao động 2-10 ngày) còn 2019-nCoV là 6,1 ngày (dao động 3,8-9,7 ngày).
TS. Lê Quốc Hùng thông tin thêm: "Theo thông tin của bài nghiên cứu khoa học từ các nhà khoa học Trung Quốc đăng ngày 30/1, chỉ có 27% người bệnh tới bệnh viện trong vòng 2 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Còn lại, đến ngày thứ 5, thậm chí sau 1 tuần, họ mới tới bệnh viện. Điều này khiến tỷ lệ tử vong cao. Do đó, tốt nhất, các bạn nên đến cơ sở y tế để họ có đủ chuyên môn xét nghiệm và phân loại".