Hiểm họa từ hít bóng cười
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân nữ 16 tuổi (Vĩnh Phúc) trong tình trạng liệt hai chi dưới sau khi sử dụng 15 quả bóng cười. Qua khai thác tiền sử người bệnh được biết, trước đây sức khỏe bình thường nhưng cách đây 2 tuần em đã sử dụng 15 quả bóng cười trong vòng 3 ngày.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng tê bì, giảm cảm giác tứ chi, chân nặng hơn tay, liệt mềm chân cơ lực, gặp khó khăn trong vận động, phải di chuyển bằng xe lăn, yếu hai tay...
Kết quả xét nghiệm cho thấy, định lượng homocystein tăng cao, vitamin B12 giảm mạnh. Nữ bệnh nhân bị tổn thương thần kinh tủy sống cổ do ngộ độc khí nitơ oxit (N2O).
Cũng sử dụng bóng cười để giải trí, nam bệnh nhân N.H.H. (22 tuổi, ngụ Vĩnh Long) nhập viện do sử dụng 10 quả trong 2 ngày. Theo người nhà bệnh nhân, sau khi hít bóng cười, H. xuất hiện cảm giác kim châm, đi lại khó khăn, các biểu hiện tăng dần kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng, nhưng không đi khám mà tự mua thuốc uống.
Sau 15 ngày, bệnh nặng hơn, H. mới chịu đến bệnh viện. H cho biết, thường xuyên sử dụng bóng cười, 1 tuần sử dụng 2 - 3 lần, mỗi lần 5 - 7 quả.
Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân nhập viện do sử dụng bóng cười. Mới đây nhất, bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân ở Hải Phòng bị ngộ độc khí N2O sau thời gian dài hít bóng cười, thậm chí có ngày hít 5 - 10 bình khí N2O, tương đương 100 - 200 quả bóng cười.
TS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bóng cười bản chất là bóng bay được bơm đầy khí N2O. Khí này được sử dụng trong y khoa làm thuốc gây mê, có tác dụng giảm đau, an thần. Khi hít N2O sẽ có tình trạng phấn khích, ảo giác gây cười.
Vì vậy, nhiều người lạm dụng nó cho mục đích giải trí. Tuy nhiên, việc sử dụng N2O kéo dài, hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, huyết áp, ức chế não, thậm chí tử vong do ngộ độc cấp.
N2O cũng gây tổn thương não, dây thần kinh khiến bệnh nhân rối loạn cảm giác, bị tê bì, liệt tất cả các cơ. Đó là lý do mà nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng hạn chế hoặc không đi lại được, ảnh hưởng chức năng sống.
Ngoài ra, N2O còn gây rối loạn tâm thần do tổn thương não. Với máu, khí này còn gây thiếu máu do ức chế tủy xương gây suy tủy xương. Với cơ quan sinh dục, N2O làm giảm khả năng sinh dục.
Buôn bán tràn lan
Sử dụng N2O nguy hiểm là thế nhưng giới trẻ vẫn bất chấp; nhiều đối tượng vì lợi nhuận nên vẫn kinh doanh trái phép. Khí cười, bóng cười không chỉ bán ở quán bar, cà phê mà còn bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử.
Nhằm qua mắt sự kiểm duyệt của các nền tảng, đối tượng bán mặt hàng này đã viết lái, thêm ký tự vào giữa các chữ cái, dùng biểu tượng quả bóng, hình mặt cười để quảng cáo sản phẩm. Giá 1 quả bóng cười dao động từ 70.000 đến hơn 100.000 đồng.
Để bán được hàng, các đối tượng quảng cáo với ngôn từ hoa mỹ như: “Khi chơi bóng cười cùng bạn bè, cảm xúc sẽ được thăng hoa hơn.
Người chơi không sschỉ cảm thấy lâng lâng mà còn cảm thấy yêu đời” hay: "Nếu bạn bị căng thẳng, stress thì hút bóng cười sẽ giúp bạn xua đi những mệt mỏi đó. Bóng cười khiến bạn trở nên nhẹ nhàng và vui vẻ hơn rất nhiều, quên đi mọi lo toan trong cuộc sống”…
Tại một số nước, N2O được đánh giá là chất có hoạt chất tâm thần phải kiểm soát và đưa vào danh mục chất cùng nhóm với nhóm ma túy, không cho sử dụng tự do dạng giải trí.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có Công văn số 6357/BYT-KCB gửi các đơn vị có liên quan, Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí nitơ oxit (N2O), bảo đảm truy xuất được người bán, người mua và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lạm dụng, sử dụng khí N2O sai mục đích.
Văn bản nêu rõ, khí nitơ oxit (tên hóa học là dinitrogen monoxyd) có công thức hóa học là N2O, là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp; sản xuất, chế biến thực phẩm và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng lạm dụng khí N2O tại một số điểm vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân, đặc biệt là giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác, gây những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Để ngăn chặn việc sử dụng bóng cười, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức là biện pháp trọng tâm xuyên suốt. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xử lý các đối tượng buôn bán trái phép các sản phẩm bóng cười.
Tháng 5 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã kiểm tra quán bar 1900 (phố Hàng Buồm) và phát hiện tại đây bán bóng cười cho khách với giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/quả.
Để phục vụ khách hàng thuận tiện, quán bar không ngần ngại để bình khí cười loại lớn (khoảng 10kg) ngay tại quầy lễ tân. Khách vào bar có nhu cầu, lễ tân lập tức bơm bóng cho khách. Quá trình kiểm tra, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện, thu giữ 1 bình khí cười và hơn 100 vỏ bóng cao su chưa qua sử dụng, nhiều “dân chơi” đang vô tư hít bóng cười mà không quan tâm đến hậu quả.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 133