Chưa bao giờ, thực phẩm chức năng lại được quảng cáo rầm rộ và truyền tay nhau dưới nhiều hình thức như hiện nay. Người tiêu dùng rất dễ dàng mua bán thông qua mạng xã hội, điện thoại những sản phẩm thực phẩm chức năng xách tay có xuất xứ từ Mỹ, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản… với những lời quảng cáo hấp dẫn về công dụng của nó như: giảm cân cấp tốc, giảm mỡ bụng tức thời, hay xoa tan vết nám, làm đẹp da rất hiệu quả thậm chí là đẩy lùi bệnh ung thư.
Ảnh minh họa, nguồn: Kiến Thức |
Tuy nhiên, không ai có thể kiểm định được chất lượng cũng như công dụng thật của nó. Vậy thực phẩm chức năng có lợi hay hại cho sức khỏe?
Theo các chuyên gia y tế, người tiêu dùng không tự ý sử dụng thực phẩm chức năng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng sẽ gây ra hậu quả khó lường. Trường hợp sau đây là một ví dụ điển hình. Đầu tháng 1/2013 bà L. từ Mỹ về Việt Nam để đón Tết cùng con cháu để duy trì sức khỏe giải độc, da mịn màng và đẹp. Bà đã sử dụng loại thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Mỹ, nhưng sau vài ngày sử dụng các đốm đỏ lan khắp người đầu tiên là đau nhức hai bàn chân đến lở miệng, hai lỗ tai, mặt mũi và toàn thân nổi đỏ, nổi bóng nước rất đau đớn (theo kiến thức).
Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng những cơ quan bộ phận trong cơ thể người chứ không có tác dụng chữa bệnh như nhiều người lầm tưởng.
BS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích: Mọi người cần hiểu rõ về thực phẩm chức năng để sử dụng có lợi cho sức khỏe. Nếu sử dụng không đúng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Truyền khuyến cáo, không phải ai trong chúng ta cũng có thể sử dụng được thực phẩm chức năng. Đối với những người có bệnh mãn tính, nếu dùng không đúng, bệnh lại càng phát triển thì càng nguy hiểm – tiền mất tật mang.
Ông Truyền khẳng định: Thực phẩm chức năng không có tác dụng ngăn ngừa bệnh mãn tính. Người dùng phải có đủ kiến thức để hiểu rõ thực phẩm chức năng dùng cho mình như thế nào, ngừa bệnh gì. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng còn thiếu sự tư vấn của người chăm sóc sức khỏe. Ở nước ta đã có thông tư nghiêm cấm bác sĩ kê đơn thuốc có thực phẩm chức năng.
Ông Truyền nhấn mạnh: “Chúng ta phải ngăn chặn sự lạm dụng thực phẩm chức năng trong bệnh viện cho người bệnh. Hiện vẫn chưa kiểm soát kỹ được truyền thông, quảng cáo về thực phẩm chức năng. Nhiều quảng cáo loạn ngôn, nâng tầm quá mức về công dụng của nó, không có cơ sở khoa học để xác minh. Người dân tiếp nhận thông tin sử dụng không biết nó có lợi hay hại mức độ nào đối với sức khỏe”.
Ông Truyền kiến nghị, các cơ quan chức năng phải hoàn thiện hệ thống quy chế, tăng cường năng lực kiểm soát. Dù chúng ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật pháp quy nhưng một số nội dung chưa phù hợp và sát với thực tế. Ông mong muốn thời gian tới, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục An toàn Thực phẩm cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và quy chế thì mới quản lý tốt ngành này. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cho các nhà sản xuất, kinh doanh có quy trình sản xuất tốt hơn kể cả việc hướng dẫn an toàn sản xuất, đăng ký chất lượng cũng như quảng cáo sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, ông Truyền khuyên: khi họ bỏ tiền ra mua sản phẩm phải suy nghĩ nó có đáng bỏ đồng tiền đó để ra mua hay không chứ đừng nghe theo sự mách bảo, quảng cáo của người thân, bạn bè. Cơ quan chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng nhận thức được vấn đề và nói cho họ biết sản phẩm nào tốt cho sức khỏe, sản phẩm nào là cần thiết.
“Hiện nay, người tiêu dùng đang trước ma trận thực phẩm chức năng và họ không đủ năng lực phán xét sản phẩm đó có tốt không, phán xét truyền thông có trung thực, khách quan khoa học hay không" - ông Truyền nói.