Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt Dự án 585 đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo ưu tiên 62 huyện nghèo. Hiện nay, Dự án 585 được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ mỗi năm 100 chỉ tiêu và sẽ tăng theo khả năng thực hiện.
Là chương trình đào tạo đặc biệt, cầm tay chỉ việc, 1 thầy 1 trò tại 3 trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Hải Phòng nên các bác sĩ đã thành thạo được nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Rất nhiều những điển hình bác sĩ trẻ tình nguyện đã ghi dấu ấn tại địa phương nơi mình đến công tác trong thời gian qua như: Về Ngoại khoa: có bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết về Bắc Hà, Lào Cai trong 3 năm tình nguyện đã mổ được 1286 ca, như vậy trung bình kể cả thứ 7 chủ nhật bác sĩ đã mỗ được 1 đến 2 ca một ngày. Trong 1286 ca mổ thì có 1/3 số ca là mổ bằng nội soi, đây là kỹ thuật hiện đại mà hiện nay một số huyện miền xuôi cũng chưa thực hiện được. Hay như ở Mường Nhé, Điện Biên khi bác sĩ Hiếu về, nhiều trẻ sinh với cân nặng thấp từ 1 kg đến 1,4 kg đã được cứu trong thời gian bác sĩ công tác tình nguyện. Hay như bác sĩ Sùng Sao Tỏa ở Trung tâm Y tế huyện Mường Khương, Lào Cai, chuyên ngành sản đã thực hiện được mọi kỹ thuật cho sản khoa, không những thế bác sĩ còn vận động người dân, người Mông bỏ những tập tục không tốt cho sức khỏe, như không dám cho máu ai vì họ quan niệm cho máu mà họ mất thì mình mất theo, đến nay người Mông không còn tư duy đó. Hay như trước đây, khi đẻ, người Mông chỉ để chồng đỡ đẻ, kể cả bố mẹ đẻ cũng không được, thì đến nay họ đã để các bác sĩ đỡ và tham gia chăm sóc sức khỏe. Người Mông cũng đã hiểu nếu có bệnh tật thì đến bệnh viện và nếu sinh nở thì đến bác sĩ giúp.
Những kết quả đó được ghi nhận ở nhiều nơi, như Tây Nguyên tại huyện La Pa, Gia Lai có bác sĩ Ya Vang là bác sĩ Y học cổ truyền đã chữa cho những bệnh nhân trước đây liệt không đi lại được, sau khi châm cứu dùng thuốc thì đã đi lại được.
TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nhấn mạnh, các bác sĩ trẻ tình nguyện đã có đóng góp to lớn cho các huyện nghèo, đặc biệt các huyện miền núi phía bắc, miền trung, Tây nguyên. Các bác sĩ trẻ cũng được các đồng nghiệp cùng công tác đánh giá cao về năng lực. Ví dụ như ở Mường Nhé, các bác sĩ đánh giá bác sĩ Hiếu đã hỗ trợ 30 – 50% dịch vụ y tế tại huyện. Nhiều đồng chí Lãnh đạo Chính quyền địa phương, Huyện ủy, Ủy ban cũng đánh giá rất cao các đóng góp của các bác sĩ trẻ, giúp giảm số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.
“Như vậy, nhờ có đội ngũ các bác sĩ trẻ tình nguyện mà bệnh nhân, phụ nữ sinh đẻ đã được chăm sóc y tế ngay tại huyện nghèo, không phải chuyển về tuyến tỉnh, trung ương. Điều này cũng gián tiếp xóa đói giảm nghèo, vì bệnh nhân không phải tốn kém đi lại nữa. Đồng thời bệnh nhân được cấp cứu tại chỗ nên cứu sống được nhiều người hơn. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, cứu sống được nhiều người thì cũng giúp người dân đỡ nhiều chi phí nếu phải chuyển tuyến, và cũng giúp người dân tin hơn vào ngành Y tế, đường lối của Đảng và Nhà nước.”- TS. Phạm Văn Tác nhấn mạnh.