PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai
Uống rau ngót sống, lau miệng nhiều đều tai hại
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nhận định nếu cha mẹ không hiểu đúng về cách phòng tránh, chữa bệnh nấm miệng sẽ khiến con trẻ không phải chịu những hậu quả nặng nề.
“Bệnh nấm miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, trong giai đoạn bú sữa. Bệnh do nấm Candidas thường có trong khoang miệng của trẻ gây ra. Loại nấm này hiện diện trong cơ thể mỗi người và phát triển mạnh khi vệ sinh miệng sai cách hoặc sức đề kháng kém”- PGS. Tiến Dũng phân tích.
Do niêm mạc miệng của trẻ rất mỏng manh nên trẻ sẽ dễ dàng bị nấm miệng chỉ vì chăm sóc trẻ sai cách. “Trẻ dễ mắc nấm miệng nhiều khi vì cha mẹ quá chăm chỉ lau miệng cho trẻ. Hành động lau miệng, đánh tưa lưỡi cho trẻ bằng gạc y tế đã vô tình làm tổn thương, trợt loét lớp niêm mạc miệng vốn rất mỏng manh, tạo điều kiện cho nấm Candidas ăn vào niêm mạc miệng trẻ và hoành hành trong khoang miệng. Hơn nữa, cha mẹ tưởng gạc sạch nhưng bản thân tấm gạc đó có thể nhiễm nấm. Dùng gạc lau miệng cho con, cha mẹ vô tình đưa nấm từ bên ngoài đưa vào miệng trẻ”, PGS. Dũng nói.
PGS. Tiến Dũng cho biết một sai lầm nữa cha mẹ dễ mắc phải khi trẻ bị nấm miệng là vệ sinh miệng trẻ sau khi ăn bằng nước muối loãng, đánh tưa lưỡi bằng nước rau ngót sống theo truyền miệng dân gian. “Lau miệng bằng nước nước muối loãng khiến trẻ phải “uống” thêm một lượng muối mỗi ngày, gây quá tải cho thận của trẻ. Còn rau ngót tươi sống hiện nay không hề an toàn vì rau ngót bị bón nhiều đạm, phun thuốc sâu!”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo.
Bôi thuốc cam trị nấm miệng làm con co giật
Chia sẻ với PV Đời sống Plus, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ các bác sĩ nhưng vẫn có không ít bà mẹ dùng thuốc cam để chữa cho con mỗi khi thấy miệng con có nốt lấm tấm màu trắng. Và trong quá trình công tác, ông đã từng tiếp nhận rất nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng co giật chỉ vì cha mẹ chữa nấm miệng cho trẻ bằng cách bôi thuốc cam.
“Ban đầu chúng tôi tưởng cháu co giật do viêm màng não. Khai thác bệnh sử từ cha mẹ mới biết, cháu được bôi thuốc cam để trị nấm miệng. Đó là việc làm hết sức sai lầm, dẫn tới ngộ độc thần kinh. Thuốc cam không thể dùng để chữa nấm miệng!”, PGS. Dũng khẳng định.
Theo PGS. Dũng, thuốc cam cổ xưa được bào chế từ cỏ cây sạch, không nhiễm chì có tác dụng chữa bệnh đường tiêu hóa, thường dùng cho trẻ gầy gò, kém ăn, ăn không ngon miệng. Bản thân ông nhận thấy, trước kia trẻ dùng loại thuốc cam này không hề xảy ra ngộ độc chì.
Nhưng chỉ một vài năm trở lại đây, tình trạng ngộ độc chì nổi lên đáng báo động là do cha mẹ cho trẻ uống, bôi thuốc cam nhiễm chì không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường. Vì vậy, để đề phòng bệnh nấm miệng, với trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, mẹ không cần cho trẻ uống nước vệ sinh miệng sau khi bú. Với trẻ ăn sữa ngoài, đang ở độ tuổi ăn dặm, mẹ có thể cho trẻ uống một chút nước tráng miệng sau ăn. Tránh lấy khăn cọ miệng của trẻ quá mạnh hoặc thấm nước muối loãng để lau miệng cho trẻ.
Chuyên gia nhi khoa khẳng định trẻ bị nấm miệng cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh chống nấm theo đường bôi tại chỗ hoặc đường uống toàn thân. “Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu xuất hiện dấu hiệu như bề mặt lưỡi của trẻ có nhiều mảng trắng khó lấy ra. Trẻ bị đau rát miệng, quấy khóc, kém ăn. Nếu không điều trị nấm miệng kịp thời, nấm sẽ lan xuống dưới gây nấm họng, nấm phổi, nấm ruột và biến chứng nấm huyết rất nguy hiểm”, PGS. Tiến Dũng cảnh báo.
Theo Minh Khang/giadinhvietnam.com