Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bài 3: Đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động sẽ vượt qua 'bóng ma" Covid-19

(Dân sinh) - Trước đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều doanh nghiệp đánh giá nếu được triển khai sớm sẽ giúp cho việc kinh doanh sản xuất kinh doanh sớm vượt qua 'bóng ma" Covid-19. Chính sách này còn có tầm nhìn dài hạn giúp các doanh nghiêp và người lao động chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh, như “chiếc lò xo bị nén lại để bung ra” vực dậy sản xuất, giải quyết việc làm.

Đề xuất kịp thời, hợp lý

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện nay nhiều địa phương đóng cửa các khu vui chơi, giải trí, du lịch... Kéo theo đó, hàng trăm ngàn lao động bị ngừng việc, thậm chí mất việc làm. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính trong quý II-2020 sẽ có 350.000-400.000 lao động trong DN bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Trong hai tháng đầu năm 2020, cả nước có 17.400 DN thành lập mới. Tuy nhiên, có 16.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019). Hiện nay trên 15% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 2-2020 là 10%).

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã ra văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có đề xuất hỗ trợ các DN gặp khó khăn (từ 30% lao động và từ 100 lao động trở lên luân phiên ngừng việc) được vay tiền để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời đề xuất Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chính sách tạm dừng, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho DN và NLĐ.

Đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động được đánh giá tích cực - Ảnh 1.

Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đang được nhiều doanh nghiệp đánh giá tích cực

Đánh giá các đề xuất trên, ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động của Tập đoàn Mường Thanh bị đình trệ, nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất phải ngừng hẳn hoặc tạm dừng do thua lỗ. Do vậy, những giải pháp trên rất được phía doanh nghiệp cũng như người lao động chờ đợi.

Được biết hiện nay, cùng với hàng loạt dự án bất động sản, tập đoàn Mường Thanh là hệ thống khách sạn tư nhân lớn nhất cả nước, với 60 khách sạn trải dài từ Nam chí Bắc, do đó, số lao động hiện nay đang làm việc tại đây cũng khá lớn, gần 30.000 người.Bên cạnh bất động sản thì lĩnh vực kinh doanh du lịch, khách sạn bị đóng băng, tỷ lệ khách đặt phòng gần như bằng không. Thời điểm cao nhất chỉ khoảng 1-5%, khiến doanh thu sụt giảm rất lớn.

Đồng tình với đề xuất trên, đại diện Công ty Cổ phần Eurowindow cho rằng các giải pháp trên nếu được triển khai sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp khai thông thế bế tắc, khó khăn, giảm nguy cơ phải đóng cửa, thậm chí phá sản do thua lỗ, đồng thời giúp cho hàng triệu lao động tránh được nguy cơ mất việc làm.

Tuy nhiên, theo đại diện Eurowindow, mới đây Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó sẽ rà soát để hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, khiến trên 50% lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phải tạm nghỉ việc hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản (không kể giá trị tài sản là đất) để tạm dừng đóng BHXH bắt buộc.

Quy định này đang có bất cập, bởi một số doanh nghiệp nhỏ, chỉ sử dụng khoảng 20 lao động thì chỉ cẩn 10 lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phải tạm nghỉ việc thì đương nhiên sẽ được hưởng. Còn một số doanh nghiệp lớn, sử dụng hàng chục nghìn lao động thì thế nào?. Nếu những doanh nghiệp đó có vài nghìn lao động nghỉ việc, tạm nghỉ việc, nhưng chưa đến 50% như quy định thì có được hưởng không?. Do đó cần phải xem xét lại quy định này và có những hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, là những nhân tố đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền KT-XH.

Đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện nay Sở đang phối hợp với 30 quận huyện, thị xã khảo sát tình hình lao động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 để từ đó có đánh giá, phân tích, tham mưu đề xuất phương án tới UBND thành phố hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giải quyết việc làm ở các doanh nghiệp mất việc làm do doanh nghiệp ngừng hoặc tạm dừng hoạt động.

Nếu doanh nghiệp có từ 200 lao động mất việc làm trở lên sẽ tiến hành phối hợp với quận huyện tổ chức tư vấn, và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngay lập tức đối với các lao động bị mất việc làm này.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,3% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo số lượng này vẫn tăng trong thời gian tới.

Đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động được đánh giá tích cực - Ảnh 3.

Hỗ trợ người lao động tìm việc làm online

Nhận định về con số gia tăng này, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội Tạ Văn Thảo cho rằng, con số gia tăng này chưa phản ánh đúng thực tế tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến nay, số người tham gia tăng đều hàng năm, nên số người thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng tương ứng. Chẳng hạn số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 tăng 10% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, theo tổng hợp của Trung tâm DVVL làm Hà Nội, số người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2 là 4.037 trường hợp, trong đó có hơn 200 lao động thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, cắt giảm sản xuất, tái cơ cấu ở hơn 80 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, Trung tâm DVVL Hà Nội dự báo, tháng 4 và 5 số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể tăng đột biến do tác động của 2 yếu tố kép.

Còn tại Bắc Ninh, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh) đẩy mạnh giới thiệu việc làm thông qua Website, phỏng vấn online. Đây là hình thức giới thiệu việc làm đơn giản nhưng đưa lại hiệu quả khá tích cực, góp phần giảm chi phí, thời gian trong công tác tuyển dụng và tìm kiếm việc làm đồng thời bảo đảm sự an toàn cho lao động và doanh nghiệp.

Gói hỗ trợ lao động: Thủ tướng thống nhất 6 điểm Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị

Chiều ngày 27/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất 6 điểm mà Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất về gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị, các gói hỗ trợ hiện nay còn ít, cần nâng lên. Các biện pháp cũng cần hướng tới mục tiêu tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo…

Về vấn đề cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Về tín dụng tiêu dùng, Thủ tướng thống nhất đề nghị của Bộ Công Thương, giao Bộ Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể về giải pháp kích cầu mạnh mẽ hơn.

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng cho biết, cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn như: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch; về giải ngân vốn đầu tư công; vấn đề an sinh xã hội khi tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở nước ta; vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trước đó, tại buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may (Vinatex) về các kiến nghị của Hiệp hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra chiều nay 25/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương đưa ra các phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Liên quan đến nhóm BHXH với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang trình Chính phủ 3 phương án hỗ trợ doanh nghiệp.

Phương án 1, theo quy định hiện đang áp dụng là doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19.
Phương án 2, mở rộng quy định về mức thiệt hại và hỗ trợ. Tuỳ theo tình hình thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19 gây ra và tỷ lệ lao động bị ngừng việc tới đâu thì hỗ trợ ở mức bấy nhiêu. Việc hỗ trợ không chỉ căn cứ vào phần trăm số lao động bị ảnh hưởng mà tất cả người bị ảnh hưởng, những người bị ngừng việc đều được tạm dừng việc đóng một phần bảo hiểm xã hội. Đồng thời không khống chế tỷ lệ thiệt hại trên 50% đối với doanh nghiệp mới được nhận hỗ trợ
Phương án 3, tạm dừng đóng vào quỹ hưu và tử tuất cho tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người lao động bị mất việc làm hoặc ngưng việc, ưu tiên tập trung vào lĩnh vực bị thiêt hại nặng như vận tải, du lịch, chế biến thuỷ sản, may mặc…Thời hạn tạm dừng có thể kéo dài tới tháng 6. Nếu còn khó khăn thì có thể kéo dài tới tháng 12/2020.
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý việc đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp vay để đóng BHXH và trả lương ngừng việc cho người lao động do dịch Covid-19.
Về bảo hiểm thất nghiệp, 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý về việc nghiên cứu sử dụng kinh phí của BHTN trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, cũng như giữ chân người lao động.