"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"
Đã mấy tháng nay, chị Nguyễn Thị Hoà 50 tuổi, ở phố Trường Thi, phường Trường Thi, TP Thanh Hoá bị mất việc do mấy gia đình chị vẫn đến giúp việc theo giờ không có nhu cầu nữa. Trước đó, chồng chị làm bảo vệ ở một nhà hàng lẩu nướng cũng đã phải nghỉ việc do nhà hàng đóng cửa, không thể đón khách do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Vợ chồng họ đang phải nuôi 2 con trong độ tuổi ăn học mà không có nguồn thu nhập, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn gấp bội.
Để xoay xở, chồng chị xin làm shipper cho một cửa hàng tiện lợi, ngày kiếm mấy chục ngàn đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. Còn chị, trong xóm ai có yêu cầu chở đi đâu hay mua bán, dọn dẹp gì, chị đều nhận lời miễn có thêm chút ít phụ chồng nuôi con. Chị kể, thời buổi dịch bệnh, nhu cầu giúp việc nhà giảm bớt do nhiều người có thời gian ở nhà, các con cũng không phải bận rộn đi học thêm hay đến trường nên phụ giúp cha mẹ dọn dẹp. Bên cạnh đó, thu nhập của nhiều gia đình vì dịch bệnh cũng bị ảnh hưởng nên họ thắt chặt chi tiêu, thay vì thuê mướn người thì họ tự làm để giảm chi phí. Vợ chồng chị từ ngày mất việc cũng phải tính toán lại chi tiêu trong gia đình để "sống" được trong thời điểm hiện tại, vì dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, cuộc sống chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn.
Đó là tình cảnh của không ít người dân lao động hiện nay, nhất là những lao động tự do, bị mất việc làm, thu nhập bấp bênh, cuộc sống không được đảm bảo. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân thì sự hỗ trợ lúc này của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Chị Lê Thị Thuỷ 55 tuổi, bán hàng rong ở phố Ngô Quyền, TP Thanh Hoá chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, chồng thương binh nhưng bị liệt nằm một chỗ, có mấy đứa con thì đều thất nghiệp, do đại dịch COVID-19 các nhà hàng đóng cửa vì không có khách, nên cho nhân viên nghỉ việc hết. Cả nhà đều trông chờ vào gánh hàng rong bán bánh khoai, bánh chuối rán của mình tôi. Trong những ngày nắng nóng, không có khách mua, rán cả chảo bánh rồi lại mang về cả nhà ăn bánh khoai, bánh chuối trừ cơm. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng trồng chất khó khăn hơn".
"Chúng tôi nghe nói Nhà nước có gói hỗ trợ 26 nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động, người yếu thế, người nghèo như chúng tôi để vượt qua khó khan, vượt qua đại dịch. Nếu mà được hỗ trợ trong đợt này thì những người lao động như chúng tôi sẽ vơi bớt đi được phần nào gánh nặng trong mỗi bữa ăn, mối lo sinh hoạt hàng ngày. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã không bỏ rơi chúng tôi trong cơn đại dịch này" - chị Thuỷ phấn khởi.
Nghị quyết 68 – Một chính sách nhân văn
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo nghị quyết này, có 12 nội dung và nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng trị giá gói hỗ trợ an sinh là 26 ngàn tỷ đồng. Trong đó, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 sẽ được nhận từ 1,5-3,71 triệu đồng/người, trong khi lao động tự do được hỗ trợ ít nhất là 1,5 triệu đồng/người… Rút kinh nghiệm từ đợt chi trả gói hỗ trợ lần 1, Chính phủ sẽ giao toàn quyền cho địa phương, căn cứ vào điều kiện và khả năng ngân sách, chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng và mức tiền. Ngân sách hỗ trợ cho lao động tự do do địa phương cân đối nguồn thu và dự phòng để lại.
Có thể thấy, đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc chăm lo, quan tâm đến người lao động, nhất là những lao động tự do đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhưng để gói hỗ trợ đến đúng tay người cần một cách nhanh chóng và kịp thời, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, rà soát, thẩm định để không một ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm này… "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", chính sách này thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với người lao động, với doanh nghiệp để cùng nhau vượt khó, được đánh giá là một chính sách nhân văn, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, là một nghị quyết đi vào "lòng dân".
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết: "Nghị quyết 68 của Chính phủ rất quan trọng, cần thiết và cấp bách. Nghị quyết liên quan đến rất nhiều đối tượng thụ hưởng, rất nhiều điểm mới, thời gian triển khai khẩn trương. Vì vậy rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện. Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá đang khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá bảo đảm kịp thời, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ và đảm bảo công khai, minh bạch. Cùng với ngân sách trung ương, UBND tỉnh tính toán bố trí, sử dụng ngân sách địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách (bao gồm cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã), quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo theo nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định".
Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ra ngay các gói cứu trợ và từ đó đến nay, vẫn một tinh thần bền bỉ "khoan thư sức dân", chính sách mới được ban hành ngày càng dễ hiểu, dễ làm, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương, chắc chắn rằng, Nghị quyết 68 của Chính phủ đi vào thực tế cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.