Các bộ luật, luật, và nghị quyết được công bố bao gồm: Luật an toàn thông tin mạng; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Thống kê; Luật Khí tượng thủy văn; Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Kế toán; Luật phí và lệ phí; Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức thương mại thế giới; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Bộ Luật tố tụng dân sự; Nghị quyết về việc Thi hành Bộ luật tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết về việc thi hành luật tố tụng hành chính; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự. |
Nộp lại 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ sẽ có cơ hội thoát án tử hình
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới, trong đó có nội dung bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình. Theo đó, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, trong đó có 4 tội là bỏ hoàn toàn gồm: Tội cướp tài sản; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch; 3 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách ra từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó, gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy.
Bộ luật hình sự cũng bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội, hoặc khi xét xử. Mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên, và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Quy định cụ thể trong trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.
Nếu nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng… sẽ thoát án tử hình (ảnh MH).
Trả lời câu hỏi của PV Báo LĐ&XH về việc có áp dụng hình phạt tử hình hay không đối với loại tội phạm cướp tài sản đi kèm với giết người, hiếp dâm, tội phạm tàng trữ, chiếm đoạt chất ma túy với mục đích buôn bán ra thị trường, Thứ trưởng Lê Thành Long cho biết, đối với trường hợp này vẫn bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự mới cũng bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường…
Nhằm tăng cường tính minh bạch, qua đó nâng cao hiệu quả của việc phòng ngừa tội phạm đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, Bộ luật quy định rõ hơn trách nhiệm hình sự người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, cụ thể sẽ xử lý trách nhiệm hình sự ngay đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi thực hiện một trong 7 tội phạm; quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…
Trưng cầu ý dân những vấn đề quan trọng của đất nước
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm, trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Về nội dung, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định; còn vấn đề lấy ý kiến nhân dân có thể là các vấn đề ở mức độ, phạm vi khác nhau. Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân không hạn chế việc Nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với những vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định ai hỏi trước, ai hỏi sau…
Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết về việc thi hành bộ luật do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quy định rõ, người bị buộc tội và người bào chữa có quyền thu thập, cung cấp chứng cứ; người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan tố tụng tố tụng thu thập. Đổi mới trình tự xét hỏi theo hướng sau phần xét hỏi của Chủ tọa phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định ai hỏi trước, ai hỏi sau, bị cáo có quyền trực tiếp đặt câu hỏi với bị cáo khác, bị hại, người làm chứng nếu được chủ tọa phiên tòa đồng ý…
Về thời hạn tố tụng, “người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định”, tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án hình sự, chống sự tùy nghi, lạm dụng… Thời hạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tối đa là 4 tháng (Bộ luật hiện hành là 2 tháng); thời hạn giao các quyết định tố tụng trong những vụ án có đông bị can tham gia tối đa là 10 ngày (Bộ luật hiện hành là 3 ngày). Để chống bức cung, nhục hình… Bộ luật quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can…
Công dân có thể tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, điểm nổi bật của Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội là bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ ngay sau khi được bầu đối với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đây là 4 chức danh đại diện cho những cơ quan đứng đầu nhà nước, là Nguyên thủ quốc gia và người đại diện cho nhóm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Người dân có thể dự các phiên họp công khai của Quốc hội. (ảnh MH)
So với Nội quy năm 2002 là người dân có thể dự các phiên họp công khai của Quốc hội. Cụ thể, Nội quy sửa đổi quy định hiện hành về việc công dân có thể tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội và do Tổng thư ký Quốc hội tổ chức để bảo đảm quyền tham dự của công dân, và trật tự của kỳ họp. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.