Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 dự kiến sẽ làm 4 hoặc 5 bài thi, trong đó có bài thi tổ hợp nhiều môn.
Giáo viên nhiều băn khoăn, chẳng hạn số lượng câu hỏi và thời gian làm bài 3 môn sẽ chỉ bằng gần một môn so với trước liệu có phân loại được học sinh.
Liệu có đủ cơ sở để tuyển sinh ĐH ?
Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, bài thi tổ hợp gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm chia làm 3 phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi. Sẽ có cả điểm tổng hợp của bài và điểm của từng môn. Để xét tốt nghiệp sẽ tính điểm cả bài thi tổ hợp.
Ông Hoàng Văn Phú, Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), nêu ý kiến: “Một số môn chuyển sang thi trắc nghiệm sẽ làm cho việc chấm thi được khách quan hơn, quản lý số liệu cũng thuận lợi hơn. Nhưng hiện các thầy cô và học sinh (HS) đặc biệt quan tâm tới cách ra đề thi ở bài thi tổ hợp. Ví dụ, cũng là thi trắc nghiệm nhưng trước đây môn lý, hóa, sinh với 50 câu hỏi mỗi môn, giờ sẽ dồn lại còn khoảng 20 câu/môn, công tác ra đề thi đòi hỏi phải rất kỹ, làm sao để phân hóa được HS?”. Ông Phú đề nghị ngoài việc sớm công bố đề thi minh họa thì các trường ĐH cũng cần sớm công bố phương án tuyển sinh của mình để HS hiểu rõ hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đề nghị: “Trong khoảng thời gian như vậy thì Bộ cần tính toán để đưa ra những yêu cầu trong đề thi như thế nào để phù hợp với cả 2 mục đích là công nhận tốt nghiệp và chọn được những HS tốt để vào học ĐH”.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một doanh nhân quan tâm đến giáo dục, cũng bày tỏ băn khoăn: “Một số trường có chuyên khoa, ví dụ chuyên khoa về lý, hóa, sinh rất khó có thể sử dụng kết quả trả lời của chỉ 20 câu hỏi để tuyển sinh”.
Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm: Quá trình thực hiện ở ĐH Quốc gia Hà Nội, công thức đề thi đối với bài tự chọn có 40 câu, khả năng phân loại của thí sinh hoàn toàn tốt. Trong cấu trúc đề thi mới là 60 câu cho mỗi bài tự chọn, mỗi môn là 20 câu, toán 50 câu và ngoại ngữ 40 câu. Với lượng câu hỏi như vậy đủ để đánh giá, phân loại HS ở cấp độ cơ bản và nâng cao. “Trong khoa học đánh giá đã chứng minh số câu hỏi càng ít mà đo tính phân loại được thì đề đó có độ tin cậy và giá trị tốt”, ông Hồng nói.
Có thể sử dụng điểm một phần hoặc toàn bộ bài thi ?
Theo ông Ga, để xét tuyển ĐH, CĐ, các trường có thể tổ hợp các điểm thành phần của từng môn hoặc điểm của cả bài thi, kết hợp với các môn thi khác để xây dựng tổ hợp xét tuyển tùy yêu cầu của từng trường. Nếu trường yêu cầu sử dụng điểm của cả bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội thì thí sinh phải làm hết tất cả. Nếu trường chỉ sử dụng một cấu phần thì thí sinh có thể làm mỗi cấu phần đó.
Tuy vậy ông Ga cũng khẳng định, việc tuyển sinh theo khối thi và các tổ hợp môn thi cũng sẽ được các trường ĐH giữ ổn định như 2 năm qua và không có xáo trộn gì gây khó khăn cho người học.
Một số ý kiến cho rằng nếu HS chỉ thi để xét tuyển ĐH, CĐ thì có được bỏ trống không làm một môn nào đó trong bài thi tổ hợp (vì môn đó không dùng để xét tuyển) hay không và như thế có bị tính là điểm liệt không? Có ý kiến đề nghị đã thi trắc nghiệm thì điểm liệt phải là 2,5 vì HS chọn bừa đáp án cũng có xác suất đúng tới 25%...
Xung quanh vấn đề này, ông Ga cho hay điểm liệt sẽ được quy định chi tiết trong quy chế tới đây nhưng trên nguyên tắc, nếu HS bị điểm liệt của cả bài thi mới không được xét tốt nghiệp, không tính theo điểm liệt của một cấu phần trong bài thi đó.
Không còn môn học bị “coi thường” Nguyễn Thế Toàn, HS lớp 12D7, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), chia sẻ: “Trước đây em chỉ xác định những môn mà mình thi thì sẽ học kỹ. Theo phương án thi năm nay, em sẽ phải học đủ các môn để thi, không thể học lệch như trước được nữa”. Tuy nhiên, một giáo viên dạy môn giáo dục công dân ở Hà Nội, tỏ ra khá hào hứng vì có thể năm nay HS sẽ không “coi thường” như trước nữa. Ông Trần Ngọc Năm, Hiệu phó Trường THPT Thăng Long (Hà Nội), lạc quan: “Các em phải thi 6 môn nhưng chỉ qua 4 bài thi và thời gian thi ít hơn so với trước kia rất nhiều, số câu hỏi cho từng môn ít hơn nên không thể nói là nặng nề hơn được. Thêm nữa, các kiến thức trong bài thi tổ hợp rất tốt cho việc đánh giá toàn diện thí sinh”. Bà Lại Kim Anh, Tổ trưởng bộ môn địa lý, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng tổ chức thi môn địa lý theo hình thức trắc nghiệm cũng sẽ giảm hẳn tình trạng học vẹt, học tủ như đang diễn ra trong những năm qua. Tuyết Mai |
Xem xét phân hóa từng phần phù hợp với nhu cầu học sinh Ông Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie TP.HCM, cũng cho rằng việc tổ chức bài thi tổ hợp tiện cho HS. 3 môn thi trong một bài, thi trong một buổi sẽ góp phần giảm nhẹ kiến thức, áp lực cho HS. Tuy nhiên, vấn đề nhiều giáo viên băn khoăn là HS không có nhiều thời gian để học theo cách thi mới. Từ thực tế phía HS và sự chuẩn bị của trường phổ thông, ông Nguyễn Văn Vân đề nghị: “Bộ cần chú trọng nhiều tới cơ cấu tổ chức bài thi tổ hợp. Cần xem xét mức độ phân hóa trong từng phần để phù hợp với nhiều đối tượng HS”. Cùng mối lo toan này, ông Trương Bá Hải, Phó giám đốc Trung tâm GDTX Q.10, TP.HCM, cho rằng với các trường tốp dưới thì việc thay đổi đột ngột ở thời điểm này lại có thể là một cú sốc vì không chuẩn bị kịp. Ông Hải kiến nghị đề thi cần bám chắc chương trình cơ bản đảm bảo các đối tượng HS đều có thể làm được, giới hạn lại kiến thức trong đề thi để các trường tiện ôn tập cho HS. Bộ cần đưa ra hướng dẫn cụ thể để các trường đẩy mạnh ôn tập kịp thời cho HS. Còn ông Hoàng Gia Thành, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Đức (TP.HCM) thì lo lắng: “Để thích nghi được với thay đổi lần này, thứ bảy tới chúng tôi sẽ cho họp phụ huynh toàn trường để chuẩn bị mọi phương án ôn tập gấp cho HS”. Để bài thi phù hợp với việc vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, ông Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) đề nghị Bộ nghiên cứu sự phân hóa trong cấu trúc bài thi. Chẳng hạn thí sinh thi vào bách khoa thì nên làm theo cấu trúc lý: 40, hóa: 10, sinh: 10. Thí sinh thi y dược, bài thi theo cấu trúc sinh: 40, hóa: 10, lý: 10... Lam Ngọc |