Theo y học cổ truyền, cây nụ áo có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, hoạt huyết, tiêu thũng. Dùng để chữa đinh nhọt đơn độc, viêm khí quản mạn tính, viêm thận cấp tính, bị ngã đánh sai khớp chấn thương...
Cây nụ áo còn có tên là long quỳ, khổ thái, khổ quỳ, gia cầu, thiên già tử… Là loài cỏ mọc hằng năm, thân nhẵn hoặc có ít lông, cao 50-80cm, có nhiều cành. Lá hình bầu dục, mềm, nhẵn, dài 4-15cm, rộng 2-3cm. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành tán nhỏ có cuống ở kẽ lá. Quả hình cầu, đường kính 5-8mm, lúc đầu màu lục, sau vàng và khi chín có màu đen tím.Hạt dẹt, hình thận, nhẵn, đường kính chừng 1mm.
Lá ngọn cây nụ áo có thể sử dụng làm thuốc và rau ăn.
Cây mọc hoang khắp nước ta, thường thấy ở các bãi hoang, vườn ruộng khô, hai bên đường.Một số địa phương dùng cây này làm rau ăn, nhưng phải nấu chín.Khi chế biến phải chần qua nước sôi. Bộ phận dùng làm thuốc thu hái toàn cây phơi hay sấy khô, tuy nhiên quả không dùng vì có độc.
Một số bài thuốc thường dùng:
Bài 1: Chữa bong gân sưng đau: Lấy lá nụ áo tươi một nắm, hành trắng để liền cả rễ 7 củ, thêm chút men rượu, giã nát, đắp lên chỗ bong gân rồi băng cố định lại, ngày thay thuốc 1-2 lần.
Bài 2: Chữa tiểu tiện không thông, phù thũng do gan yếu:Cây nụ áo khô 15g, mộc thông 15g, rau mùi 20g. Tất cả cắt khúc, rửa sạch cho vào ấm đổ 700ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày 1 liệu trình.
Bài 3:Hỗ trợ điều trị viêm khí quản mạn tính ở người cao tuổi:Cây nụ áo tươi 30g, cát cánh 9g, cam thảo 3g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 550ml nước, sắc nhỏ lửa còn 300ml, chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình kéo dài 10 ngày, giữa các liệu trình nghỉ dùng thuốc 5-7 ngày.
Bài 4: Chữa vết thương bầm tím, sưng đau do va đập, ngã:Dùng cả cây nụ áo tươi 80g, giã nhỏ, thêm một chút giấm, vắt lấy nước cốt uống, còn bã dùng đắp lên chỗ sưng đau bầm tím.
Bài 5: Chữa khí hư bạch đới ở phụ nữ: Dùng cây nụ áo, hoa mào gà trắng, quán chúng mỗi vị 30g. Tất cả cho vào ấm đổ 550ml nước, sắc nhỏ lửa còn 200ml nước, sắc 3 lần thuốc, bỏ bã, dùng nước thuốc nấu với 200g thịt lợn nạc thành món canh, chia ra 2 lần ăn trong ngày. 15 ngày một liệu trình.
Không dùng quả nụ áo vì có độc.
Bài 6: Hỗ trợ điều trị lỵ: Dùng lá nụ áo khô 25-30g (nếu là lá tươi tăng gấp đôi liều lượng). Rửa sạch, cho vào ấm đổ 550ml nước, sắc còn 250ml thêm chút đường trắng, chia 2 lần uống trong ngày.10 ngày một liệu trình.
Bài 7: Chữa cảm sốt, sưng họng: Cây nụ áo tươi 20-30g, rửa sạch, giã nát, thêm chút nước đun sôi để nguội vào, vắt lấy nước cốt, chia 2 lần uống trong ngày. 5 ngày 1 liệu trình.Hoặc có thể dùng rễ nụ áo 100g, rễ ké hoa vàng 100g, hạt tiêu đen 2,5g, mỗi lần uống 3 - 5g.