Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BLĐTBXH Ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

Ảnh minh họa. N.Quỳnh

Ảnh minh họa. N.Quỳnh

Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em là hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để thu thập số liệu thống kê về trẻ em, nhằm giám sát và đánh giá viêc thực hiện quyền trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê về trẻ em và là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và hoạch định chính sách đối với lĩnh vực trẻ em.

Theo đó, Danh mục chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em bao gồm một số chỉ tiêu sau:

- Chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em gồm mã số, nhóm, tên chỉ tiêu;

- Chỉ tiêu thống kê về tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em gồm mã số, nhóm, tên chỉ tiêu;

- Nội dung chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp;

- Nội dung chỉ tiêu thống kê về tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

Thông tư quy định, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các bộ, ngành liên quan: Tổng hợp thông tin thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em thông qua chế độ báo cáo thống kê, các cuộc điều tra thống kê và dữ liệu hành chính thuộc các bộ, ngành, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; xây dựng các phần mềm thống kê để thu thập, xử lý và phổ biến thông tin thống kê về lĩnh vực trẻ em; Theo dõi, hướng dẫn, báo cáo việc thực hiện Thông tư này; Khai thác, phân tích số liệu về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách đối với trẻ em, làm cơ sở hoạch định chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tạo môi trường để trẻ em phát triển toàn diện, kiểm soát tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thông tư nêu rõ, căn cứ Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em ban hành kèm theo Thông tư này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công trong Bộ chỉ tiêu thống kê này, cung cấp cho Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021.

Thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện củng cố hệ thống thông tin, báo cáo, nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo, phục vụ quản lý, điều hành lĩnh vực quản lý nhà nước về trẻ em.

Công tác thu thập thông tin về tình hình trẻ em đã được triển khai vận hành ở các cấp. Hơn 11.000 tài khoản cấp cho các xã, phường, thị trấn; 63 tỉnh, thành phố triển khai biểu mẫu thu thập thông tin trẻ em từ hộ gia đình.

Các chỉ tiêu, dữ liệu liên quan đến trẻ em được cập nhật thông qua hệ thống chỉ tiêu, chỉ số thực hiện quyền trẻ em thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành; báo cáo hằng năm của địa phương; các cuộc điều tra, khảo sát quốc gia, các nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế; thống kê, phân tích cuộc gọi và ca tư vấn, hỗ trợ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và từ các phương tiện thông tin đại chúng.