Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 18/11, trả lời các đại biểu Quốc hội về Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo, qua đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 4,5% năm 2015, riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn 28%. Đây là một thành tựu nỗ lực trong công cuộc đổi mới được toàn xã hội và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Áp dụng tiêu chí đo lường đa chiều

 Quyết định chuẩn nghèo quy định rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ nghèo tỉnh Ninh Bình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chăn nuôi.ảnh:VBSP

Với tiêu chí về thu nhập, quyết định quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị  900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng. 

Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, Quyết định nêu rõ, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Tiêu chí xác định chuẩn nghèo 

Quyết định cũng quy định rõ chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Gạo của Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo dịp giáp hạt

Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đồng bào dân tộc tiếp cận thông tin qua điện thoại di động

Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Hộ có mức sống trung bình ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng.

Hộ nghèo ở xã Hải Châu (huyện Hải Hậu, Nam Định) vay vốn ngân hàng chính sách xã hội

Mức chuẩn nghèo trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020.