Học online đối với một số gia đình không phải là vấn đề quá xa lạ và phức tạp, nhất là với những gia đình từ trung lưu trở lên ở khu vực đô thị. Nhưng với nhiều gia đình nghèo, ở nông thôn thì lại không đơn giản. Ngay cả với một số trường, chỉ riêng việc sử dụng ứng dụng nào để dạy online một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật sẵn có cũng đã là vấn đề nan giải. Tiếp theo là hàng loạt vấn đề khác liên quan tới giáo án, kỹ năng trình bày và truyền thụ kiến thức của giáo viên, kỹ năng tương tác giữa giáo viên và học sinh... đều là những điều không dễ giải quyết.
Những ngày qua, một số nơi đang phát động phong trào góp máy tính cũ để giúp học sinh có máy tính học online. Đó là hoạt động có ý nghĩa, thiết thực giúp nhiều học sinh không có điều kiện vẫn có thể học online trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhưng chỉ máy tính thôi thì không đủ mà còn phải đi kèm với không ít điều kiện khác. Vào thời buổi này, đường truyền và trạm phát wifi không phải là vấn đề lớn ở thành thị nhưng ở nông thôn thì không phải nhà nào cũng có. Việc lắp đặt hệ thống internet bình thường là khá dễ dàng nhưng thời buổi dịch bệnh như hiện nay lại không đơn giản - nhất là những địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc tăng cường giãn cách ở mức độ cao hơn.
Sách giáo khoa cho học sinh cũng đang là vấn đề khó khăn. Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, việc mua sách giáo khoa là gần như không thể khi các cửa hàng sách đều đóng cửa còn hệ thống phân phối, vận chuyển để mua hàng qua kênh trực tuyến cũng đang tạm nghỉ do quy định giãn cách xã hội. Vì thế, hầu hết học sinh ở các vùng dịch đến thời điểm này vẫn chưa thể có sách giáo khoa, trong khi thời điểm bước vào năm học mới chỉ còn tính bằng tuần. Cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh, học sinh THCS và THPT còn hơn 10 ngày nữa, trong khi học sinh tiểu học cũng chỉ còn khoảng 20 ngày là chính thức bước vào năm học.
Kịch bản tốt nhất là khi ấy các địa phương ở phía Nam đã kiểm soát được dịch và bắt đầu "nới" giãn cách thì thời gian chuẩn bị các điều kiện để bước vào năm học mới của học sinh cũng vô cùng hạn hẹp. Với kịch bản xấu hơn, học sinh sẽ phải "học chay" - tức không có sách giáo khoa cho đến khi dịch bệnh được "dẹp yên".
Liệu việc dạy học trong điều kiện như vậy có đảm bảo chất lượng không? Đó là chưa nói đến những học sinh lớp 1, 2 còn quá nhỏ, hình thức học online sẽ khó phù hợp, khả năng tiếp thu rất thấp, nguy cơ ảnh hưởng tới lượng kiến thức mang tính nền tảng cho những lớp sau.
Việc học là việc của cả đời, rất mong các nhà quản lý giáo dục xem xét, nghiên cứu để có những giải pháp hợp lý nhằm giúp học sinh có được điều kiện học tập phù hợp nhất trong bối cảnh dịch bệnh.