Hiện nay có không ít thế hệ 9X không xem trọng sức khỏe, thức đêm, từ khi nào đã trở thành danh từ gắn liền với thế hệ 9X. Họ không biết rằng, thức đêm không chỉ khiến con người ta trở nên "ngu người" theo đúng nghĩa đen, mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan tới ung thư. Để rồi kết cục là, còn chưa sống được tới nửa đời người, thay vì vi vu đây đó thì lại phải đấu tranh với bệnh tật hiểm ác. Vì vậy, người trẻ à, hãy coi trọng sức khỏe của mình hơn một chút.
1. Vì sao người trẻ thích thức khuya?
Có một nghiên cứu nói rằng, thế hệ 5X đi vào giấc ngủ nhanh nhất, 6X thích ngủ trưa nhất, 7X thích đọc sách trước khi ngủ nhất, 8X thích mất ngủ nhất, 9X thức khuya nhất, 10X thích ngủ nướng nhất.
Ngày càng có nhiều người trẻ tự đưa mình vào hàng ngũ của những người thích thức khuya, thậm chí là thức trắng đêm luôn.
Từng có một người đặt ra một câu hỏi điều tra trên mạng rằng, vì sao bạn thích thức khuya?
Bất ngờ là chỉ có 10% người thức khuya vì nguyên nhân công việc, phần lớn nguyên nhân lại là chơi game, chat chit, xem phim, đọc truyện hay lướt tiktok, insta.
Người trẻ sau khi trải qua áp lực tới từ công việc và cuộc sống của một ngày dài, họ rất xem trọng thời gian buổi tối, khó khăn lắm mới có được cho mình không gian riêng, vì vậy, họ bắt đầu hành trình du lịch mang tên thức khuya. Mọi áp lực của ban sáng đều sẽ được giải tỏa vào ban đêm.
Dù chẳng có việc gì làm, dù biết thức khuya hại cho sức khỏe, nhưng không muốn ngủ, không nỡ ngủ, muốn nắm lấy một chút thời gian cho riêng mình. Điều này đã dần dần trở thành chân dung của rất nhiều người trẻ. Không thức khuya đã trở thành điều gì đó rất khó khăn với người trẻ.
02. Thức khuya mà bạn thích, thực sự có thể khiến bạn chết sớm
Có một hiện tượng trần trụi đó là: ung thư đang ngày càng trẻ hóa.
Dạo gần đây, tôi có đọc được một thông tin rằng: một thanh niên 30 tuổi, bị ung thư dạ dày. Bác sỹ nói: "Trong dạ dày của cậu ấy là một mớ hỗn độn, các tế bào ung thư đã chuyển từ dạ dày sang gan". Mất chưa đầy 3 tháng từ khi chẩn đoán cho tới khi qua đời. Trong những năm gần đây, ung thư đã trở nên trẻ hóa và rất nhiều người trẻ đều qua đời trong đột ngột và ngỡ ngàng.
Nghe nói rằng cậu thanh niên 30 tuổi này thường xuyên thức khuya làm việc, không xã giao, không vận động, thích uống rượu, bữa ăn bữa không. Khi có người khuyên nhủ thì cậu lại nói rằng: "Không sao, tôi còn trẻ chán, không phải sợ". Kể từ lúc phải vào bệnh biện điều trị, cậu luôn không ngừng nhắc nhở những người xung quanh: "Đừng chơi đùa với sức khỏe, bạn không thắng được đâu."
Một nghiên cứu trên tạp chí "Giấc ngủ" của Mỹ đã chỉ ra rằng khi thiếu thời gian ngủ, não sẽ tạo ra các vật chất hóa học tương tự như khi não bị tấn công. Thiếu ngủ có thể gây đau đầu và các vấn đề khác. Bộ não của chúng ta sẽ tạo ra rất nhiều chất thải sau một ngày hoạt động và giấc ngủ ngon có thể giúp não loại bỏ những chất thải này.
Khi công cuộc thức khuya của bạn được tích lũy đến một mức độ nhất định, bạn sẽ dễ dàng ngã bệnh. Điều thậm chí còn khủng khiếp hơn là tổn thương do thức khuya là không thể phục hồi, ngay cả khi bạn có ngủ bù. Nếu giấc ngủ bình thường của một người liên tục bị phá hủy, nó sẽ gây ra thiệt hại vĩnh viễn cho các chức năng cơ thể khác nhau.
Làm thêm giờ, thức khuya, từ mệt mỏi đến ung thư chỉ cần 4 bước: mệt mỏi nhẹ, mệt mỏi sâu, tổn thương nội tạng, gây ung thư. Rối loạn nghỉ ngơi dài hạn, dẫn đến chức năng cơ thể bất thường là nguyên nhân lớn nhất gây ung thư. Nói cách khác, mỗi một lần bạn thức khuya, là một lần bạn bòn rút cơ thể mình. Nếu bất hạnh thì cái giá phải trả sẽ chính là sinh mạng.
Rất nhiều các bạn trẻ 9X miệng thì luôn nói phải sống lành mạnh, nhưng cơ thể thì lại đang tự sát. Tiết tấu cuộc sống hiện đại vô cùng hối hả, áp lực lên cuộc sống cũng rất lớn, chúng ta dường như không có đủ thời gian mỗi ngày. Cạnh tranh tại nơi làm việc, tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, lương hưu của cha mẹ và giáo dục con cái là tất cả những vấn đề phải đối mặt. Chúng ta không dám dừng lại, trong đầu lúc nào cũng chỉ suy nghĩ làm sao để trở nên tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn.
Cứ khi nào rảnh rỗi là lại có một cảm giác tội lỗi trào dâng. Mà quên mất rằng, cái gọi là công việc, chẳng qua cũng chỉ là một phần của cuộc sống. "Khi còn trẻ dùng mạng đổi tiền, về già lấy tiền giữ mạng" đã trở thành một vòng kín đầy cay nghiệp mà con người hiện đại ngày nay khó có thể vượt qua.
Ngày mai và sự cố ngoài ý muốn, chúng ta vĩnh viễn không bao giờ biết được cái nào sẽ xảy tới trước. Hiệp hội Y học về giấc ngủ Trung Quốc đã công bố một cuộc khảo sát: 90% thanh niên bị đột tử, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim là do có liên quan đến thức khuya, và, hơn 70% thanh niên có thói quen thức khuya. Thức khuya không chỉ khiến bạn trở nên ngớ ngẩn, mà đôi khi còn thực sự khiến bạn đoản mệnh.
3. Người trẻ à, đừng lấy cơ thể ra đánh cược với ngày mai, nếu thua sẽ thua rất đậm
Có người nói, ung thư cũng được, bệnh tật cũng ok, nó còn cách chúng tôi xa lắm. Nhưng ai có thể tính chắc chắn được ngày mai và sự cố, cái nào sẽ tới trước?
H., giảng viên đại học, cô mắc bệnh ung thư vú ở tuổi 31. Trước khi mắc bệnh, cô bất chấp tất cả thức khuya, làm việc, ăn uống buông thả. Cũng giống như rất nhiều người khác, trên cô có già, dưới cô có trẻ, cô chỉ có thể liều mạng kiếm tiền. Sau khi mắc bệnh, cô viết trên trang cá nhân của mình rằng: "Chỉ khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tôi mới phát hiện ra rằng, áp lực, nhu cầu mua nhà mua xe, tất cả đều chỉ là mây khói. Đừng để tới lúc bị thương rồi mới đi đứng cẩn thận, đừng để tới lúc sinh bệnh rồi mới biết sức khỏe quan trọng ra sao."
Nếu sinh mệnh quả thực chỉ ngắn ngủi như vậy, nghĩ mà xem, bạn thực sự không có bất cứ hối tiếc nào ư?
Bạn khoe lên trang cá nhân thẻ tập gym theo năm, bạn dùng loại mặt nạ đắt đỏ nhất để thức cả đêm mà không phải sợ hại da;
Bạn luôn miệng nói mình không có thời gian vận động, nhưng bạn có biết rằng xếp hàng để được vào khám ở bệnh viện tốn biết bao nhiêu thời gian?
Bạn thường nói rằng mình không có tiền đi kiểm tra sức khỏe định kì, nhưng bạn không biết rằng ở trong phòng bệnh ICU có thể nhanh chóng rút hết tiền tiết kiệm của cả nhà chỉ trong vài ngày.
Chúng ta luôn cho rằng mình vẫn còn trẻ, những chuyện như bệnh hiểm nghèo còn cách chúng ta xa vời lắm, nhưng sinh mạng là một canh bạc lớn mà một khi đã thua là hết, đừng đánh cược cuộc sống của mình một cách dễ dàng. Thực ra, sống chết là chuyện của giây lát, đứng trước sinh mạng, trẻ hay không trẻ, chẳng phải là vấn đề…
4. Làm sao để từ bỏ thói quen thức khuya, bồi dưỡng nên thói quen tốt hơn?
Thứ nhất: Phát triển sở thích của riêng mình
Lúc trước tôi từng đọc được câu nói rằng "cách tốt nhất để diệt cỏ là trồng hoa màu". Tôi cảm thấy rất có lý, muốn từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, thức khuya, bạn phải bồi dưỡng cho mình những thói quen tích cực khác, không chỉ là để chuyển sự tập trung chú ý, mà còn khiến bạn hoàn toàn đắm chìm trong niềm vui tích cực, giúp cơ thể và tâm trí thư giãn một cách hiệu quả.
Chẳng hạn, sở thích của bạn là sưu tập, hãy dành nhiều thời gian để nghiên cứu các đặc điểm của di tích văn hóa trong các thời kỳ khác nhau, sự chú ý và sở thích của bạn có thể tập trung vào nơi bạn cho rằng mình có thể sẽ tìm thấy một kho báu hiếm nào đó, thay vì thức khuya để theo đuổi các bộ phim truyền hình hay chơi mấy trò chơi bạo lực…
Những người quan tâm đến sở thích có nhiều thời gian rảnh rỗi và lạc quan hơn khi gặp khó khăn
Thứ hai: Ép bản thân tự giác kỉ luật, biến cuộc sống trở nên kỉ luật hơn
1. Ép mình đi vào giấc ngủ sớm hơn mọi khi, đặt ra cho bản thân một thời gian nhất định, đến giờ thì phải lên giường. Dù không ngủ thì cũng hãy nằm đó, tránh xa máy tính hay điện thoại ra. Trước khi ngủ đừng suy nghĩ linh tinh, để não được thả lỏng nhất có thể.
2. Tăng thêm thời gian vận động và học tập, vận động thích hợp trước khi ngủ hoặc đọc sách, có thể có ích cho giấc ngủ. Tập thể dục có thể trút năng lượng dư thừa, đọc sách có thể giúp thư giãn.
3. Kiên trì dậy sớm, hầu hết những người thức khuya đều bị rối loạn đồng hồ sinh học, vì vậy, hãy cố gắng duy trì thói quen ngủ sớm dậy sớm để đồng hồ sinh học trở lại bình thường.
Cơ thể là ông trời cho bạn miễn phí, nhưng cũng không phải để bạn tùy ý mà dẫm đạp, sử dụng chúng một cách vô ích. Những đêm thức trắng đều là đang ghi nợ cho tương lai, mà đã là nợ, thì rồi một ngày nào đó bạn cũng sẽ phải trả.
Đời người, sợ nhất là, vốn dĩ tôi có thể, nhưng lại không kịp nữa rồi. Đừng đợi cơ thể xảy ra vấn đề rồi mới bắt đầu nghĩ tới chuyện tự luật. Đừng thức khuya hay thức trắng đêm nữa!
5. Nếu vì bất khả kháng mà phải thức khuya, vậy thì hãy cố gắng hết sức thiện đãi bản thân
Giống như các nhân viên y tá hay bác sỹ, thức khuya thức trắng đêm là một phần nhiệm vụ của họ. Nếu vì đặc thù công việc, buộc phải thức khuya, vậy thì hãy cố gắng làm được 10 điều này:
1. Bữa tối đừng ăn quá muộn, bớt ăn cay, uống nhiều nước trái cây và sữa đậu nành.
2. Trước khi thức khuya, có thể bổ sung cho mình một chút vitamin.
3. Mắt sẽ mệt mỏi khi thức khuya, tập thể dục cho mắt khi rảnh rỗi, nghỉ ngơi với đôi mắt nhắm lại trong vài phút.
4. Tránh uống các loại nước kích thích tinh thần. Uống một chút trà loãng, sữa nóng hay nước táo tàu kỉ tử cũng không tồi.
5. Nếu đói, hãy lựa chọn những loại thức ăn giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, đừng tạo thêm gánh nặng cho dạ dày.
6. Chú ý thông gió thích hợp trong phòng, hít thở sâu nhiều lần.
7. Ban đêm sẽ lạnh hơn, chú ý giữ ấm, đặc biệt là ở các khớp.
8. Bữa sáng của ngày hôm sau hãy ăn cho ngon, bổ sung cho đầy đủ, Nếu có thời gian hãy tắm nước ấm.
9. Cuối tuần có thời gian hãy vận động.
10. Cố gắng giữ tâm trạng thoải mái khi thức khuya. Phải bình thản, điều chỉnh tâm thái là điều quan trọng.
Cuối cùng, tôi vẫn muốn nói với bạn rằng, đừng thức khuya quá nhiều, trên thế gian này, có hai thứ phải sau khi mất đi rồi, bạn mới nhận ra được giá trị của nó, đó là thanh xuân và sức khỏe. Thanh xuân đi qua, sự năng nổ, trí tuệ và nho nhã chưa chắc sẽ mất đi, nhưng mất đi sức khỏe thì dù bạn có còn đang trẻ trung thì thanh xuân đó cũng còn có ý nghĩa gì với bạn? Giàu có để làm gì? Thời gian để làm chi? Vì vậy, vì mình, và vì cả những người thân yêu, đừng thức khuya nữa!