Với vốn tiếng Anh được đào tạo bài bản của thời kỳ xã hội chủ nghĩa và nhờ những chuyến học hỏi kinh nghiệm tới trên 60 quốc gia dưới rất nhiều hình thức khác nhau từ tham quan đến phục vụ công tác lẫn tu nghiệp với đầy đủ các loại hình chế độ chính trị từ hiện đại nhất cho đến các quốc gia đang trên đà phát triển, những điều đó đã giúp ông hình thành được tư duy và kiến thức cho cuốn sách này.
Như cuốn sách đề cập, vấn đề của khái niệm là rất cơ bản, nếu không hiểu được đúng bản chất của những khái niệm, sẽ không có một cách nào làm đúng. “Một trong những lý do quan trọng giải thích tại sao ngày nay tình trạng tham nhũng trong các chính phủ lại lan tràn ở Châu Phi là, người ta đã dành quá nhiều nỗ lực để tìm các cứu chữa vấn đề hơn là để hiểu chúng”.
Nhiều khái niệm về Quốc hội của chúng ta hiện nay mới chỉ phản ánh nội dung nội hàm nhận thức trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì không còn như vậy. Tác giả có những quan điểm, giải thích hết sức độc đáo, sáng tạo đối với những khái niệm mà chúng ta tưởng như lâu nay vốn đã quá hiểu rõ; nhưng rồi khi đọc xong, khi chiêm nghiệm ra, chúng ta mới thấy mình còn hiểu sơ sài, đôi khi còn nhầm lẫn thế nào.
Tròn 30 năm đổi mới kinh tế, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi, nhưng trong lĩnh vực chính trị hầu như vẫn không có nhiều thay đổi, hay nói một cách chính xác hơn là thay đổi rất chậm chạp. Chúng ta vẫn cứ lấy Quốc hội với cách thức tổ chức và hoạt động trong nền kinh tế tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường. Quốc hội cho đến hiện nay vẫn là một thể chế được thành lập ra từ một thể chế tập trung quan liêu bao gồm cơ cấu đại diện cho mọi tầng lớp và các địa phương.Tác giả đã đưa ra sáng kiến khắc phục bằng cách đưa ra cách thành lập đơn vị bầu cử thoát ly khỏi đơn vị hành chính địa phương.
Với những nội dung đó, cuốn sách sẽ có những đóng góp rất tốt đối với sự phát triển của quốc gia chúng ta hiện nay, nhất là đối với các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được bầu ở khóa 2016 – 2021.
“Điều thôi thúc tôi viết quyển sách này còn là nhận thức sâu sắc rằng để có thể kiến tạo được một nền quản trị quốc gia hiện đại, chúng ta cần kiến thức, cần sự hiểu biết sâu rộng về việc thiết kế và vận hành quyền lực nhà nước.”
“Nhìn chung, tôi không có ham muốn trình bày các vấn đề từ góc nhìn của một nhà dân chủ, mà chỉ đơn thuần từ góc nhìn của một nhà kỹ trị. Trong quá trình làm việc ở Quốc hội, tôi nhận thức ngày càng sâu sắc rằng nhiệm vụ cải cách hàng đầu của đất nước ta chính là xây dựng một nền quản trị quốc gia hiệu quả và hiện đại. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể vượt qua thách thức của bẫy thu nhập trung bình.”
- TS Nguyễn Sĩ Dũng
Tác giả Nguyễn Sĩ Dũng sinh năm 1955 tại Thanh Chương, Nghệ An. Ông là Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ Giáo dục học tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Nga, từng thực tập tại Nghị viện Australia và thực hiện nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến nghị viện của hơn 40 nước trên thế giới.
Là thành viên các tổ chức: Nhóm tư vấn của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Văn phòng Quốc hội, Ủy viên thường trực Ban điều phối các dự án hợp tác quốc tế của Văn phòng Quốc hội, Thành viên Hội đồng biên tập của Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Ủy viên thường trực Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992, Thành viên Ban soạn thảo một số dự án luật như Luật giao dịch điện tử, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương…
“Đọc cuốn sách của TS Nguyễn Sĩ Dũng, quý vị đang đọc những tâm sự của một người trong cuộc, tường tận hiểu những khó khăn và gian truân trong quá trình chuyển đổi từ một Quốc hội vận hành theo mô hình cũ sang một thiết chế Nghị viện chuyên nghiệp...”
PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa – Chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Ái Sa (GĐ&TE)