Buýt nhanh BRT ở Bangkok (Thái Lan) bị đánh giá không hiệu quả sau 6 năm hoạt động.
Tuyến xe buýt nhanh BRT sắp bị “khai tử” này được chính quyền thành phố Bangkok triển khai cách đây 6 năm, nó nằm trên đường Sathorn, một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất ở thành phố hơn 10 triệu dân này. Giá vé trên cả tuyến chỉ có 5 baht (khoảng 4.000 VNĐ), rất rẻ so với các phương tiện giao thông công cộng ở Bangkok.
BMA đã đầu tư 2 tỉ baht vào dự án BRT và trả cho hệ thống vận tải công cộng Bangkok (BTS) trong 7 năm điều hành, tính đến ngày 30/4 tới.
Ông Nimmano chịu trách nhiệm giám sát quy định giao thông thành phố cho biết, Ủy ban giám sát hệ thống vận tải công cộng Bangkok và Hội đồng nghiên cứu dịch vụ BRT đồng ý dừng hoạt động đối với dịch vụ này. Ủy ban Giám sát cơ quan vận tải công cộng Bangkok đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 3/2 để bàn về việc chấm dứt hoạt động của BRT. Trong đó, họ nhận thấy, dịch vụ vận tải này gây ra gánh nặng tài chính đáng kể, khoảng 200 triệu baht/năm trong 6 năm đầu hoạt động.
BRT là dịch vụ xe buýt gom do Cơ quan Đô thị Bangkok (BMA) điều hành, kết nối các khu vực Sathon và Ratchapreuk. Xe buýt nhanh được phép sử dụng làn đường dành riêng dài 3,5km trên đường Narathiwat Ratchanakharin và đường HOV (High Occupancy Vehicles) dành cho phương tiện lưu thông nhanh, chở nhiều người trên đường Rama III để tăng tốc độ. Tuy nhiên, dịch vụ này thường xuyên không có người sử dụng. Theo nghiên cứu, BRT của Bangkok chỉ phục vụ trung bình khoảng 25.000 khách/ngày.
Ban đầu, dịch vụ vận tải này được vận hành để phục vụ hành khách sử dụng tàu điện trên cao BTS Skytrain, phối hợp cùng các phương tiện khác như xe buýt thường, taxi, xe ôm và tàu để kết nối những hệ thống vận tải nhanh quan trọng trong thành phố với những tuyến đường nhỏ hơn. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng đều là người già, học sinh, sinh viên - những đối tượng được giảm giá vé và không sử dụng dịch vụ tàu điện.
Khi dự án này kết thúc, các tuyến đường đặc biệt dành riêng cho BRT sẽ bị xóa sổ, mở rộng không gian cho các phương tiện khác. Kể từ khi hoạt động vào năm 2010, dịch vụ BRT thường xuyên hứng chịu nhiều chỉ trích từ dư luận, phần lớn là từ các nhà cung cấp dịch vụ giao thông công cộng. Bởi, hệ thống buýt này ngốn không gian di chuyển của các phương tiện khác.
Câu chuyện của Thái Lan thực sự là bài học kinh nghiệm cho các nước, trong đó có Việt Nam?
Bước lên xe, cảm nhận đầu tiên là rất vắng khách dù tôi không mất quá nhiều thời gian để chờ đợi và xe cũng rất sạch. Ngoài ra, hệ thống nhà chờ, mua vé mà lúc nãy tôi sử dụng cũng rất thuận tiện. Theo thông tin tôi tìm hiểu ban đầu, chính quyền Bangkok xây dựng tuyến BRT này để phục vụ người dân đi lại giữa các điểm của tàu điện trên cao. Người già, trẻ em và người tàn tật còn được hỗ trợ giá vé, nhưng không mấy ai sử dụng dịch vụ này.
“Tôi không thích sử dụng tuyến xe buýt này, nó phức tạp quá, như tôi muốn đi, phải đi xe ôm ra bến, qua đường rồi mới tới được nơi. Tôi nghĩ rằng đây không phải là giải pháp hợp lý, đường ở đây rất chật chội mà phải dành riêng một làn cho xe buýt”- Bà Rattakun, một người dân Bangkok nói.
Quả thật, việc không thuận lợi trong sử dụng và dùng riêng một làn đường khiến cho BRT đối mặt với nhiều ác cảm với người tham gia giao thông. Hồi đầu tháng này, chính những người lập ra dự án BRT cách đây vài năm đã thừa nhận sai lầm của dự án và họ sẽ chấm dứt việc hoạt động của nó trong tháng 6 tới.
Theo Ủy ban giám sát hệ thống giao thông công cộng ở Bangkok, việc đầu tư khoảng 57 triệu USD trong suốt thời gian hoạt động của BRT là lãng phí vì nó chỉ phục vụ được có 25.000 lượt khách mỗi ngày, một con số rất nhỏ so với tàu điện trên cao và xe buýt truyền thống.
Việc BRT tại Bangkok vắng khách cũng khiến ngân quỹ mỗi năm phải gánh tới 200 triệu baht (5 triệu USD), đó là một điều khó có thể chấp nhận đối với chính quyền thành phố và họ buộc phải dừng lại.
Ông Somchai Dechacon, Giám đốc văn phòng Giao thông Bangkok cho biết: “Chúng tôi sẽ dừng việc đầu tư vào dự án BRT vì nó tốn kém và không hiệu quả. Hơn nữa, qua hơn 6 năm hoạt động, hợp đồng đầu tư cũng đã kết thúc. Dự án chịu thua lỗ. Người dân cũng không mấy hứng thú với BRT vì nó chiếm quá nhiều không gian di chuyển của phương tiện khác”.
Các nhà chức trách ở Bangkok đã nêu lý do cho việc dừng tuyến xe buýt nhanh, song ở góc độ người dân, không ít người đã bày tỏ bất mãn trước thông tin BRT ở Bangkok sẽ biến mất.
“Quyết định đó thực sự đáng xấu hổ. Nếu chính quyền thua lỗ, sao họ không giải quyết vấn đề mà lại đóng cửa một dịch vụ hữu ích như vậy. Tôi nghĩ giao thông công cộng để phục vụ tất cả các nhóm người, không phải chỉ một vài nhóm người cụ thể. Đáng lẽ chính quyền thành phố nên cảm ơn những người sử dụng BRT vì họ đã cam tâm bỏ xe cá nhân ở nhà và chọn phương tiện công cộng này”, bà Nantana, 62 tuổi chia sẻ.
Có thể nói, việc đầu tư BRT tại Bangkok đã không mang lại hiệu quả như chính quyền thành phố mong muốn dù tuyến xe của họ chỉ dài có 3,5km. Song nếu Thái Lan phải dừng vận hành tuyến buýt nhanh này thì thực sự là điều đáng tiếc, trong bối cảnh các quốc gia đều cần phát triển hệ thống giao thông công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân. Hiện tại một số ý kiến cho rằng có thể nâng giá vé để giảm thua lỗ cho doanh nghiệp để tiếp tục duy trì dịch vụ này.
Chưa biết những ý kiến của người dân ủng hộ BRT có được xem xét hay không, nhưng câu chuyện của Thái Lan thực sự là bài học kinh nghiệm cho các nước, trong đó có Việt Nam trong việc quản lý và vận hành tuyến buýt nhanh để làm sao dịch vụ này được duy trì lâu dài và hiệu quả.