Theo vtv.vn, vụ cháy nhà máy xảy ra lúc 17h ngày 8/7 (giờ địa phương) và cho đến sáng 9/7, ngọn lửa vẫn chưa được kiểm soát và đã lan khắp tòa nhà 6 tầng. Một công nhân nhà máy cho biết, có hàng chục người bên trong nhà máy khi vụ việc xảy ra. Trong khi đó, theo một nhân chứng khác, ngọn lửa bùng phát từ tầng trệt của tòa nhà.
Theo giới chức địa phương, 3 người đã thiệt mạng do nhảy từ các tầng cao xuống đất. 49 thi thể khác đã được tìm thấy. Nhiều người tử vong do bị bỏng. Ngày 9/7, tờ Dhaka Tribune cho hay, ít nhất 52 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong đám cháy.
Lực lượng cứu hộ đã chiến đấu để kiểm soát ngọn lửa ở tầng 4 và tầng 6, giải cứu 25 người bị mắc kẹt trên mái nhà của nhà máy sản xuất nước ép trái cây, mỳ và kẹo ở tầng trên cùng. Hơn 30 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện. Theo lực lượng cứu hỏa, bên trong tòa nhà có nhiều nhựa và hóa chất dễ cháy, đây có thể là nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn.
Thi thể cháy đen của nhiều nạn nhân được đưa lên xe cứu thương, chuyển tới nơi chôn cất giữa tiếng gào khóc đau khổ của thân nhân và người dân xung quanh. Cảnh sát đã giải tán hàng trăm người hiếu kỳ có mặt tại những tuyến đường gần nhà máy.
Theo plo.vn, nguyên nhân vụ cháy chưa được xác định, nhưng quan chức cảnh sát Abdullah Al Mamun nói với các phóng viên rằng ba nhóm cảnh sát đã được cử tới để điều tra vụ việc và hành động pháp lý sẽ được xúc tiến với những ai chịu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn.
Hàng chục thảm họa xảy ra ở Bangladesh mỗi năm do các tiêu chuẩn an toàn trong xây dựng và phòng cháy chữa cháy kém. Vụ việc ngày 9/7 là tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2016, khi hơn 100 người ngã bệnh ở thành phố Chittagong, miền nam nước này sau khi hít phải khí rò rỉ từ một nhà máy sản xuất phân bón.
Những vụ tai nạn trong quá khứ đã làm thui chột ngành dệt may mạnh mẽ của Bangladesh, vốn sử dụng hàng triệu lao động và đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế quốc gia Nam Á này.
Các quan chức trong ngành hứa hẹn sẽ có những tiêu chuẩn an toàn tốt hơn sau vụ sập tòa nhà của xưởng may Rana Plaza vào năm 2012 ở Dhaka khiến hơn 1.000 công nhân thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Tuy nhiên, tình trạng ở nhiều nhà máy trong và ngoài ngành dệt may vẫn không cải thiện, dẫn đến những vụ tai nạn xảy ra hàng năm.