.
Tại buổi tọa đàm, dẫn chứng về các luật đã được Quốc hội thông qua, như Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 đã được công khai lấy ý kiến đóng góp, không có ý kiến nào phản đối qui định của Điều 60.
Nhưng trước khi có hiệu lực thi hành đã bị khoảng 90.000 công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đình công phản đối. Từ vụ việc trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng đã phân tích, và chỉ ra tầm quan trọng của việc truyền thông chính sách trước và sau khi được ban hành.
Ảnh minh họa
Trách nhiệm của truyền thông là phải làm nổi bật chính sách để người dân quan tâm, góp ý. Về bản chất, qui định của Điều 60 sẽ bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi về già vừa có lương hưu, vừa có bảo hiểm y tế, nhưng do truyền thông chưa làm hết công tác tuyên truyền một cách hiệu quả, nên một số người chưa hiểu hết.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với vai trò là nhánh “quyền lực thứ 4” trong xã hội, báo chí cần phải làm tròn trách nhiệm xã hội của mình như “cầu nối” giữa người dân với Nhà nước, mà cụ thể là với Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ…
Theo đó, trách nhiệm xã hội của báo chí là phải làm tăng hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện chính sách thông qua việc thúc đẩy tính minh bạch của chính sách cũng như trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước chứ không chỉ “chụp ảnh” sự kiện.
“Điều quan trọng là người dân phải hiểu được những nội dung đang được xây dựng, sửa đổi để họ cảm nhận được sự tham gia của mình vào quá trình làm luật và quyết định chính sách”- bà Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc trung tâm đào tạo, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.