Tờ báo l'Obs của Pháp đã đăng bài viết đánh giá cao công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Việt Nam, trong đó khẳng định "Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu" trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tác giả bài viết, một người Pháp sống ở Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với 93 triệu người, vừa thoát khỏi chiến tranh gần 50 năm, đang tiến hành các biện pháp đơn giản song triệt để nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đến nay chưa có trường hợp tử vong nào vì Covid-19.
Bài viết điểm lại những biện pháp Việt Nam đã thực hiện như cách ly và điều trị người mắc Covid-19 tại các bệnh viện được chỉ định, xét nghiệm và xác định những trường hợp có nguy cơ, sau đó cách ly 14 ngày trong các doanh trại quân đội hoặc cơ sở của nhà nước. Đối với những người dân khác, mọi người được khuyến khích ở nhà. Tác giả bài viết đề cao hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng người dân. Khắp các quận đều phát những hướng dẫn phòng ngừa qua loa phóng thanh. Toàn bộ người dân nhận được một tin nhắn SMS gần như hằng ngày với các nội dung chỉ dẫn hoặc thông báo tìm kiếm những người có nguy cơ. Theo tác giả, hành động tập thể và có trách nhiệm là giải pháp toàn diện cho dịch bệnh. Bài báo nêu rõ Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại, song đã quản lý đại dịch Covid-19 rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Tác giả bài viết cho rằng: "Chính quyền đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một".
Trong khi đó, đài BBC dẫn nhận định của Phó giáo sư, Tiến sĩ Jonathan London, nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị người Mỹ: "Việt Nam đã phản ứng một cách nghiêm túc" đối với đại dịch Covid-19.
Tờ Deutsche Welle của Đức, bản tiếng Anh nhấn mạnh vào chi tiết "Chưa có ai tử vong ở Việt Nam kể từ khi dịch bùng phát vào tháng Giêng" năm nay. Tờ báo Đức viết: "Ngay cả khi xem xét những con số thống kê một cách thận trọng, cũng phải thừa nhận một điều rõ ràng là Việt Nam đã làm tốt công việc phòng chống virus Corona". Tác giả bài báo đã bỏ công tìm hiểu và cho rằng mấu chốt có thể là "Việt Nam đã có chính sách cách ly nghiêm ngặt, đồng thời truy tìm tất cả những người có thể tiếp xúc với virus". Theo bài báo, "các nước phương Tây như nước Đức chỉ quan tâm những người bị nhiễm virus và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Còn Việt Nam thì điều tra cả lịch sử đi lại, tiếp xúc của những người có mức độ tiếp xúc thứ hai, thứ ba và thứ tư", ở Việt Nam vẫn gọi là F2, F3, F4.
Việt Nam được đưa ra làm dẫn chứng trong một số bài báo chê trách châu Âu chậm trễ trong phòng dịch. Tờ Jyllands-Posten của Đan mạch có bài của Tổng Giám đốc một công ty xây dựng. Ông này viết: "Ngày 31/1, tôi và vợ đi du lịch Việt Nam. Lúc đó, ở Copenhague không hề có biện pháp nào phòng ngừa virus cả. Tới Việt Nam, chúng tôi thấy một cộng đồng đã sẵn sàng. Nhiều người đeo khẩu trang và thông tin chi tiết về virus được công bố rộng khắp".
"Khi chúng tôi trở lại Đan Mạch hôm 16/2, mọi chuyện vẫn bình thường và đến ngày 8/3, đường hàng không vẫn được duy trì bình thường giữa những vùng có dịch và Đan Mạch". Theo vị giám đốc này, có lẽ vì thế mà: "Tới ngày 19/3, Việt Nam chỉ có 76 người nhiễm virus; cũng hôm đó, Đan Mạch đã có tới 1.225 người, trong khi dân số Việt Nam nhiều gấp 17 lần dân số Đan Mạch".
Báo chí châu Âu ngạc nhiên còn vì hệ thống y tế của Việt Nam còn xa mới được hiện đại và rộng khắp như ở châu Âu, ngân sách y tế eo hẹp hơn, vậy mà lại đang chống dịch hiệu quả hơn hẳn. Vậy nên, từng biện pháp của Việt Nam đều được quan tâm. Tờ Hufvudstadsbladet của Phần Lan đưa tin: "Việt Nam áp dụng cách ly bắt buộc đối với những người Việt về nước từ những vùng có dịch", "Tất cả hành khách đều được xét nghiệm nhanh". Mẩu tin tuy ngắn nhưng không quên nhấn mạnh chi tiết quan trọng, 3 tháng đã trôi qua, ở Việt Nam "chưa có ai tử vong" vì virus Corona.