Ông Ngô Trường Thi khẳng định: "Báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền giảm nghèo"
Trong 2 ngày 26, 27/11, tại Hải Phòng, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Tại đây, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương được ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) trao đổi, thảo luận một số nội dung cơ bản liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Ông Thi trình bày “Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 12/11/2015. Theo đó, định hướng giai đoạn 2016-2020, các địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo.
Mục tiêu cụ thể, góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%- 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016- 2020, được thực hiện trên cả nước, trong đó ưu tiên tập trung các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn.
"Được đánh giá là một trong những quốc gia có được chính sách giảm nghèo toàn diện, tuy nhiên công tác giảm nghèo bền vững ở Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, như giảm nghèo không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Hệ thống chính sách còn có sự chồng chéo, chia cắt hiệu quả hiệu lực chưa có; Nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu; chính sách chưa khuyến khích thoát nghèo", ông Thi cho biết.
Trước thực tế này, tiếp cận giảm nghèo đa chiều đang được xem là phương pháp để Việt Nam tiến hành giảm nghèo bền vững, và vai trò của truyền thông rất quan trọng trong việc cập nhật các thông tin mới đến người dân. “Chưa thời điểm nào truyền thông, các thông tin rộng rãi về công tác giảm nghèo lại được tăng cường, hiệu quả như thời gian qua”, ông Thi nói- “điều này góp phần tuyên truyền sâu rộng đến người dân, giúp chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả”.
Ông Thi cũng cho biết, kinh phí thực hiện với tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước tối thiểu là 46,161 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 41.449 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 4.712 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.
Xóa đói giảm nghèo triển khai theo hình thức giảm nghèo đa chiều là cơ hội để nhiều người dân tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Giảm nghèo đa chiều là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản là với hình thức giảm nghèo đa chiều thay vì xét hộ nghèo chỉ dựa trên mức thu nhập, những ai không được khám chữa bệnh, không được đến trường, không được tiếp cận thông tin cũng được xác định là hộ nghèo.
Bền vững và thực chất - mục tiêu này nếu làm được sẽ giúp cho người dân thực sự nhận được thứ mà họ cần, chứ không chỉ là thứ mà chính sách có. Và khi đó, sẽ có nhiều người thay vì khư khư giữ lấy cái nghèo sẽ phấn đấu để thoát nghèo. Và với hình thức giảm nghèo đa chiều, đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn ai sống dưới mức sống tối thiểu.
Đồng thời, năm 2016- 2020, đưa ra cách đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng dàn trải, kém hiệu quả. Chính sách giảm nghèo cần phát huy vai trò của toàn cộng đồng, khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo, hạn chế các chính sách cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả, có thời hạn. Bên cạnh đó, chính sách giảm nghèo còn tập trung ưu tiên nguồn lực cho các huyện xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, dân tộc thiểu số nhằm hạn chế gia tăng khoảng cách, chênh lệch về mức sống giữa các nhóm vùng miền, dân cư.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức cũng đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, báo giới sẽ là kênh chủ lực để tuyên truyền định hướng, đưa thông điệp giảm nghèo của Chính phủ tới người dân; xây dựng các phóng sự, chuyên đề về giảm nghèo, từ đó phát hiện và phổ biến nhân rộng các cá nhân, tổ chức, các điển hình tiên tiến trong giảm nghèo; đồng thời phát hiện các sai phạm, phê phán những biểu hiện không muốn thoát nghèo để nhận hỗ trợ từ Nhà nước…
”Phối hợp tuyên truyền định hướng giảm nghèo giai đoạn 2016- 2020 (nghèo đa chiều, điều tra hộ nghèo…); phát hiện tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến trong giảm nghèo, phát hiện các sai phạm, phê phán biểu hiện không muốn thoát nghèo; xây dựng các phóng sự, chuyên đề về giảm nghèo một cách thiết thực, sẽ giúp chính sách đến được với người dân hiệu quả, sát thực hơn nữa trong thời gian tới”, ông Thi kỳ vọng.
Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020 với mức chuẩn nghèo chính sách về thu nhập là 700 000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn và 900 000 đồng người/tháng ở khu vực thành thị. Với mức này tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều của cả nước vào khoảng 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%. |