Diễn đàn do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hướng tới Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015).
Toàn cảnh diễn đàn
Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi tới các thế hệ nhà báo Việt Nam lời cám ơn chân thành vì những đóng góp của các nhà báo, các cơ quan báo chí đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Báo chí đã góp phần cùng sự nghiệp khai sáng trí tuệ, nâng cao nhận thức, từ đó hình thành phong trào cách mạng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: "Trên lĩnh vực kinh tế, báo chí có vai trò quan trọng: làm rõ cơ hội phát triển của đất nước trên cơ sở đường lối của Đảng cũng như thực tiễn; chỉ rõ những rõ khó khăn, ách tắc trong quá trình phát triển từ đó động viên trí thức và doanh nhân; chỉ ra các điển hình thành công từ cơ sở, địa phương làm tiền đề giải pháp chung cho cả nước; chỉ rõ vai trò, trách nhiệm cơ quan, nhà nước, doanh nghiệp doanh nhân, giới khoa học đối với sự phát triển đất nước."
Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo phát biểu. (ảnh Trần Hải)
Nói về mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, ông Thuận Hữu, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo nêu rõ: "Thực tiễn cuộc sống cho thấy doanh nghiệp và báo chí có mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau. Doanh nghiệp cần báo chí để có thông tin phục vụ sản xuất - kinh doanh; quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, khích lệ thành quả lao động sáng tạo. Ngược lại, báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng trong hoạt động nghiệp vụ, phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội."
Trong buổi đối thoại, các vị đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước phát biểu tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, hi vọng báo chí sẽ luôn là bạn đồng hành với các doanh nghiệp, là cánh tay nối dài để doanh nghiệp tiếp cận nhanh, đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như quảng bá doanh nghiệp tới với người lao động, nhân dân cả nước. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ: Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan báo chí và doanh nghiệp ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong 2 năm 2015-2016, báo chí và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tích cực hơn nữa trong công tác giám sát các cơ quan của Chính phủ thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thông qua đó đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa và hội nhập quốc tế” cũng như Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về “những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016”.
Các TBT các cơ quan báo chí tham dự diễn đàn.
Tại diễn đàn, các vị đại diện các cơ quan báo chí cũng đồng tình với doanh nghiệp, hi vọng hai bên sẽ luôn đồng hành để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Ông Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập báo Lao động & Xã hội (baodansinh.vn) chia sẻ: "Doanh nghiệp là bạn với báo chí và báo chí đồng hành với doanh nghiệp. Tôi nghĩ, chúng ta ngồi đây không phải và không nên coi là đối thoại, mà là để cùng chia sẻ với nhau những gì còn vướng mắc để tiến tới cùng đồng hành với nhau tốt hơn. Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho truyền thông nhiều hơn, coi đầu tư cho truyền thông là một khâu đầu tư quan trọng trong chiến lược phát triển của mình để kết nối được với báo chí ngay từ đầu để báo chí có thể hiểu đúng mình, chia sẻ những mục tiêu của mình hoặc cả những vấn đề đang vướng phải của mình trong quá trình thực hiện mặc dù có việc này việc kia. Đôi khi chính báo chí cũng bị "mất cảnh giác" trong sứ mệnh của mình, có thể vì do sức ép về kinh tế hoặc chính một số nhà báo, một số tờ báo bị suy thoái... Bây giờ người ta nghiên cứu ra cả những khoa học, gọi là khoa học ứng xử với truyền thông, rồi tổng kết những kinh nghiệm đối phó với "thảm hoạ truyền thông", rồi đưa ra những lời khuyên về kỹ năng biến "đám cháy" thành "hoa đăng". Là nhà báo, tôi cũng thấy chạnh lòng khi mình trở thành một đối tượng để phải có nhiều nghiên cứu học hỏi để đối phó như vậy. Việc này có cả lỗi tại chính truyền thông. Nhưng tôi nghĩ, doanh nghiệp và báo chí là cùng một mục tiêu hướng tới sự phát triển và thịnh vượng và tôi đề nghị các doanh nghiệp hãy chủ động thông tin với báo chí, chủ động đến với báo chí, kết bạn đồng hành với báo chí và chỉ có chủ động thông tin thì báo chí mới có cơ hội hiểu đúng và phản ánh đúng mục tiêu của doanh nghiệp và hạn chế được những "trục trặc" khi có những sự cố ngoài ý muốn xảy ra."
Ông Nguyễn Thành Phong, TBT báo Lao động & Xã hội chia sẻ tại diễn đàn (ảnh Trần Hải)
Nhân dịp này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” cho 10 cá nhân là lãnh đạo các cơ quan báo chí.