Sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13h38 ngày 19/7 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hưởng thọ 80 tuổi.

Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/7. Trong 2 ngày Quốc tang, các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.
Nhiều nhà lãnh đạo và bạn bè quốc tế đã gửi lời chia buồn đến gia quyến của Tổng Bí thư và nhân dân Việt Nam.
Theo Granma, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel tuyên bố để tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ 6h ngày 20/7 đến 24h ngày 21/7 và quốc tang từ 6h sáng đến 24h ngày 22/7.
Chiều 20/7, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc và ghi sổ tang trước sự chứng kiến của tập thể cán bộ sứ quán.
Tại buổi viếng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc luôn ghi nhớ những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi thông điệp chia buồn đến lãnh đạo, nhân dân Việt Nam cũng như tri ân những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đi đầu trong việc gây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ. Nhờ sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, hai nước chúng ta đã có được tình hữu nghị và quan hệ đối tác như ngày hôm nay”, Tổng thống Biden viết.
Truyền thông quốc tế cũng đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như nêu bật những dấu ấn trong sự nghiệp chính trị của ông.
Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc đăng tải thông tin ở trang chủ cho biết: “Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã từ trần ngày 19/7, ở tuổi 80”.
Hãng tin CGTN của Trung Quốc cũng đăng tải thông điệp chia buồn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Thông điệp khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “một người đồng chí, người bạn thân thiết của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, một nhà lãnh đạo kiên định theo chủ nghĩa Mác-Lênin và có những đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, mở cửa và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam, cũng như sự phát triển của phong trào chủ nghĩa xã hội trên toàn cầu”.
CGTN điểm lại các dấu mốc trong sự nghiệp cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011 và giữ chức Chủ tịch nước từ năm 2018 đến 2020.
Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huân chương Hữu nghị của Trung Quốc. Đây là huân chương cao quý nhất của Trung Quốc dành cho người nước ngoài.
Những dấu ấn của Tổng Bí thư qua góc nhìn truyền thông quốc tế
Hãng tin NHK của Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Kishida Fumio đã gửi điện chia buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Fumio bày tỏ sự kính trọng chân thành đối với “những đóng góp quan trọng" của Tổng Bí thư cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã thể hiện khả năng lãnh đạo tuyệt vời trong việc xây dựng sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện trong nhiều lĩnh vực”.
Hãng tin Sputnik đăng tải điện chia buồn của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lãnh đạo Việt Nam, trong đó nhấn mạnh nước Nga sẽ nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như "người bạn thực sự có đóng góp cá nhân to lớn trong việc thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Nga và Việt Nam".
Báo Khmer Times của Campuchia đưa tin, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, cựu Thủ tướng Hun Sen đã gửi lời chia buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông viết: "Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ gây tổn thất to lớn cho đất nước Việt Nam mà còn cho Đảng và nhân dân Việt Nam. Những thành tựu to lớn và việc làm cao quý của ông sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong lòng nhân dân Việt Nam”.
Báo Guardian của Anh cũng ca ngợi đường lối "ngoại giao cây tre" mềm dẻo và linh hoạt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Guardian, đường lối này giúp Việt Nam cân bằng các mối quan hệ quốc tế, trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
Ở khía cạnh này, hãng tin Reuters của Anh cũng nêu bật vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong giai đoạn Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng hơn một thập niên qua. Ngoài ra, theo Reuters, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng tầm quan hệ của Việt Nam với cả Trung Quốc và Mỹ bằng chính sách "ngoại giao cây tre".
Viết về thành tựu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, báo Washington Post của Mỹ bình luận: "Trên trường quốc tế, ông Nguyễn Phú Trọng được coi là người thực hiện khéo léo trường phái "ngoại giao cây tre" của Việt Nam khi đất nước điều hướng mối quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng, đồng thời xây dựng quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ và Nga".
Washington Post viết thêm: "Nỗ lực chống tham nhũng của ông nhằm khơi dậy niềm tin của công chúng vào Đảng Cộng sản và sự quản lý của Đảng đối với nền kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, với các lĩnh vực khởi nghiệp đang phát triển".
Báo New York Times cũng đánh giá cao những thành tựu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Ông Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ của ông, các siêu cường lớn trên thế giới đã tích cực xây dựng mối quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này", New York Times viết.
New York Times cho rằng, với chiến lược "ngoại giao cây tre", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "rất giỏi trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn".
"Ông là bậc thầy về phòng ngừa rủi ro", Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye nhận định.
Về chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, hãng tin AFP của Pháp dẫn lời của chuyên gia cho rằng chiến dịch đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, điều có thể thấy rõ ở tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. GDP năm 2023 của Việt Nam tăng trưởng khoảng 5%. "Việt Nam cũng đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số doanh nghiệp quan trọng nhất thế giới trong thập niên qua", AFP nhận định.
Ngoài ra, về đối ngoại, theo AFP, trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với các nước, trong đó có một số nước lớn.
Theo báo Financial Times, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài từ các công ty đa quốc gia, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Financial Times nhấn mạnh, bằng đường lối cân bằng các mối quan hệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp Việt Nam đứng vững trước những biến động chính trị và sẽ đứng vững trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới leo thang.
Báo Al Jazeera cũng nêu bật dấu ấn của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, coi tham nhũng là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với uy tín của Đảng. Ngoài ra, bài báo cũng đề cập đến đường lối "ngoại giao cây tre" của Tổng Bí thư, gọi đây là đường lối mềm dẻo, linh hoạt trước những “cơn gió ngược” trong môi trường địa - chính trị thay đổi nhanh chóng.
Minh Phương (theo Washington Post, New York Times, Reuters, AFP)
Báo Lao động và Xã hội số 88