Các màn hình thông báo ở sân bay Nội Bài chiều qua bị tắt. Hành khách dồn ứ vì chưa thể làm thủ tục bay. Ảnh: Hùng Sơn
Chiều 29/7, hàng loạt màn hình hiển thị thông tin chuyến bay cùng hệ thống phát thanh tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị chèn nội dung kích động, xuyên tạc về Biển Đông. Vụ việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của truyền thông cả trong và ngoài nước.
Đài BBC của Anh đăng tải chi tiết về vụ tấn công, miêu tả quang cảnh tại các sân bay khi mà hệ thống máy tính không hoạt động, với quá trình làm thủ tục phải thực hiện bằng tay.
Kênh Deutsche Welle, Đức, đăng bài viết với tiêu đề "Tin tặc tấn công màn hình hiển thị thông tin tại sân bay Việt Nam" trong mục tin nổi bật, dẫn lại thông báo từ Vietnam Airlines cho hay trang web chính thức của hãng hàng không này đã bị chuyển tới một "trang web độc hại ở nước ngoài".
Người dùng khi truy cập vào địa chỉ https://www.vietnamairlines.com, nhận về một thông báo nói rằng, website bị hack. Trên trang xuất hiện các ngôn ngữ kích động và để lại những dòng nội dung cho biết nhóm hacker 1937cn, nhóm tin tặc nổi tiếng nhất Trung Quốc, thực hiện vụ tấn công này. Những kẻ tấn công cũng đăng tải dữ liệu cá nhân của hơn 400.000 thành viên Golden Lotus.
Bài viết về vụ tấn công tại hai sân bay lớn nhất Việt Nam cũng xuất hiện trên mục tin tức đáng chú ý của tờ Guardian. Báo này dẫn lời Thứ trưởng Giao thông Việt Nam Nguyễn Nhật xác nhận việc một số màn hình hiển thị thông tin chuyến bay, màn hình quảng cáo tại khu vực làm thủ tục của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị chèn hình ảnh cùng nội dung câu chữ xúc phạm Việt Nam và Philippines.
Hãng thông tấn AP đưa tin chi tiết về vụ tấn công đi kèm bối cảnh diễn ra sự việc. Hồi đầu tháng, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên Biển Đông. Tòa Trọng tài còn kết luận không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.
Ngoài ra, các trang tin, tờ báo, hãng thông tấn lớn trong khu vực như Asia Times của Thái Lan, Channel News Asia của Singapore, Philippine Starcủa Philippines... cũng đồng loạt đăng tải những diễn biến liên quan tới vụ việc.