Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Báo chí, truyền thông góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động

Tham dự Hội nghị có TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN; đồng chí Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm  Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Lê Văn Hoạt – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ LĐTB&XH; ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục QLLĐ ngoài nước; các chuyên gia, các nhà khoa học cùng đại diện cho các Sở LĐTB&XH, các doanh nghiệp XKLĐ cùng đông đảo lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

 
 
Toàn cảnh hội nghị
 
Xuất khẩu lao động có vai trò trong công tác giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác xuất khẩu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2017, XKLĐ đạt được con số kỷ lục với trên 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% so với kế hoạch năm. Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trong lĩnh vực XKLĐ với tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đạt hơn 142 nghìn người, vượt 30% so với kế hoạch, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng vượt mức 100.000 lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã được tổng số gần 67 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019.
 
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có khoảng 580 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với trên 30 ngành nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao và chuyên gia.
 
Cùng với số, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng lên, ngành nghề cũng được mở rộng; bắt đầu tiếp cận thị trường mới như châu Âu. Hoạt động của doanh nghiệp XKLĐ không ngừng đi vào nề nếp. Các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm phát triển thị trường, đào tạo người lao động rất bài bản. Nhiều lao động trở về đã phát triển những ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho lao động và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.
 
 
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội nêu các kiến nghị tăng cường công tác truyền thông về XKLĐ
 
“Hoạt động  XKLĐ đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm, bình quân gần 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm của cả nước. Với  mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi đi  xuất khẩu lao động về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Hiệu quả của chương trình XKLĐ không chỉ được đo, đếm bằng hàng tỷ USD mà người lao động từ hàng chục thị trường ngoài nước gửi về hàng năm, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có đông người đi XKLĐ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê với hệ thống hạ tầng khang trang, cùng với đó là tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tôi luyện dài ngày trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
 
Sẽ tập trung sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
 
Theo ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, sau hơn 12 năm thi hành Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bên cạnh nhiều thành tựu nổi bật nhưng việc thực hiện các quy định, chính sách về XKLĐ cũng còn có hạn chế,  một mặt do việc kiểm tra, giám sát hoạt động việc thực hiện của cơ quan quản lý chưa được thường xuyên, liên tục, mặt khác do bản thân người lao động chưa thực sự hiểu rõ quyền của mình hoặc còn tâm lý e ngại nên dẫn đến tình trạng chấp thuận với doanh nghiệp trong việc thu phí không đúng quy định, hoặc thu phí cao hơn so với quy định. Thêm vào đó, quy định về việc xử lý đối với người lao động vi phạm đã có nhưng việc thực hiện xử phạt người lao động vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
 
 
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN phát biểu tại Hội nghị
 
Do vậy, thời gian tới cần sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó cần tập trung vào 6 nhóm nội dung chính, như: Tăng nặng hình phạt lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, có đủ chế tài để khởi kiện người lao động và người bảo lãnh, bắt buộc người lao động phải nộp phạt theo quy định của pháp luật. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương tổ chức đăng ký và quản lý lao động đi theo hình thức hợp đồng cá nhân. Bổ sung nghĩa vụ người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc Thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động. Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động hoặc Thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 
Cần tăng cường công tác truyền thông, kết nối doanh nghiệp và báo chí trong hoạt động XKLĐ
 
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, những kết quả đạt được trong công tác XKLĐ có phần đóng góp rất lớn từ công tác truyền thông với vai trò nổi bật, sáng tạo của các cơ quan báo chí. Thời gian qua, Cục QLLĐNN, Trung tâm Lao động ngoài nước, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp XKLĐ đã quan tâm hợp tác với các cơ quan báo chí nhằm tuyên truyền sâu rộng các nội dung về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong triển khai và thực hiện chính sách.
 
Tuy nhiên, công tác truyền thông về xuất khẩu lao động thời gian qua cũng có có những hạn chế. Việc tuyên truyền vẫn còn một chiều, chỉ tập trung vào các điểm “nóng”, những vụ việc phát sinh mà chưa chú ý đúng mức đến các vấn đề bức xúc  như nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi, vấn đề tạo việc làm hậu xuất khẩu lao động, các tấm gương sáng hoàn thành hợp đồng về nước lập nghiệp thành công….
 
Đóng góp các ý kiến về việc nâng cao chất lượng công tác truyền thông về XKLĐ trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cho rằng, truyền thông về XKLĐ rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người lao động vẫn tin ở thông tin “rỉ tai” hơn là chính thức. Do đó cần làm sao để người dân tin ở thông tin từ nhà nước, báo chí cung cấp.
 
Về việc xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động XKLĐ, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng: Khi đối diện khủng hoảng truyền thông, các doanh nghiệp XKLĐ cần chân thành, nhanh chóng cung cấp các thông tin chính xác minh bạch, có thể kiểm chứng, không né tránh, vòng vo; tuyệt đối không nghĩ đến việc xóa bài, gỡ bài. Đối với cơ quan báo chí, trước khi công bố tin tức, cần xác minh rõ ràng, chính xác; có ý kiến nghiêm khắc song không vùi dập, cố tình làm mất uy tín. Bên cạnh đó, các cơ quan chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý nhà nước cần chủ động cung cấp thông tin, tăng cường việc chỉ đạo xử lý khi xảy ra khủng hoảng truyền thông. Xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là những người đứng đầu các cơ quan đó trong việc đăng tải thông tin sai lệch, gây ra khủng hoảng truyền thông.
 
 
Ông Nguyễn Trung Chính – Q. Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội nêu kiến nghị về các giải pháp đẩy mạnh truyền thông về XKLĐ
 
Theo TS Trần Ngọc Diễn- Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về XKLĐ, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ; có hình thức trao đổi nội dung tuyên truyền định kỳ tháng hoặc quý với các cơ quan truyền thông để chia sẻ, định hướng thông tin; đồng thời bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì thực hiện các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về XKLĐ. Về phía các cơ quan báo chí cũng cần đóng vai trò như là một "nhà tư vấn" về luật pháp, chính sách, định hướng cho người lao động khi tham gia XKLĐ, đặc biệt là cần đẩy mạnh tuyên truyền chuyên sâu về mục đích ý nghĩa cụ thể và sâu xa của các chương trình XKLĐ để người dân hiểu và thực hiện theo đúng định hướng của chương trình; đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp XKLĐ và báo chí.
 
 
TS. Trần Thị Minh Phương, Trường Đại học Lao động – Xã hội tham luận về vấn đề văn hóa ứng xử của người lao động thích ứng với thị trường lao động quốc tế
 
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trung Chính - Q.Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội nêu kiến nghị: Các doanh nghiệp XKLĐ cần có những kế hoạch thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa tác dụng của công tác truyền thông, còn các cơ quan báo chí cũng cần có những loạt bài hay, chính xác và sống động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động XKLĐ phát triển nhanh chóng và lành mạnh. Báo chí cần dành nhiều sự quan tâm và đưa tin nhiều hơn cho hoạt động XKLĐ, làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận, tham gia giám sát, phản biện, giúp  cơ quan quản lý Nhà nước ban ngành xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về XKLĐ; trở thành  cầu nối giữa người  lao động với cơ quan quản lý nhà nước, với chính quyền địa phương và doanh nghiệp XKLĐ. Báo chí cần định hướng những thông tin tích cực và  đấu tranh phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực XKLĐ. 
 
 
Bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước đánh giá cao vai trò của báo chí , truyền thông trong việc hỗ trợ đưa thông tin về các Chương trình do Trung tâm thực hiện đến được với người lao động
 
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhất trí với các kiến nghị, đề xuất về các giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông về XKLĐ trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh: Những nội dung mang tính chất căn cơ như nâng cao chất lượng lao động, hậu XKLĐ, những tấm gương về người lao động… cần được báo chí quan tâm đẩy mạnh hơn nữa; tăng cường truyền thông về các kỹ năng, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ và điều quan trọng là cần đưa thông tin nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời tới người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng giao Tạp chí Lao động và Xã hội cùng với Cục Quản lý Lao động ngoài nước nghiên cứu, tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí khác đẩy mạnh công tác truyền thông về XKLĐ đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa./. 

Bài và ảnh: Thùy Hương, Tạp chí Gia đình và Trẻ em