Truyền thông mang lại niềm tin, sức chiến đấu chống dịch bệnh
Công văn nêu rõ, thời gian gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng, số ca mắc và các ca tử vong tăng cao ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Ngày 22/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1099/CĐ-TTg yêu cầu TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, với sự chi viện của các lực lượng quân đội, công an, y tế từ trung ương và các địa phương trên cả nước.
Công tác truyền thông tạo sự đồng thuận, mang trở lại niềm tin, sức chiến đấu chống dịch bệnh, ủng hộ những nỗ lực chung của toàn xã hội tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng đối với kết quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở địa bàn TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan báo chí cũng có những khó khăn của chính mình trong tác nghiệp, in, phát hành báo giấy tại địa phương thực hiện giãn cách triệt để.
Để tăng cường hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung cụ thể.
Bộ TT&TT yêu cầu huy động các lực lượng truyền thông (báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, trang tin điện tử, mạng xã hội, mạng viễn thông, các công nghệ hỗ trợ và quét, phân tích, điều tiết xu hướng thông tin...) để tạo đồng thuận, đoàn kết toàn dân chống dịch, tin tưởng ủng hộ các giải pháp mạnh, tăng cường của Chính phủ.
Đồng thời cần phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh để giải quyết và tham mưu giải quyết, kiến nghị những giải pháp mới nhằm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường; đấu tranh, phản bác kịp thời tin giả, tin xấu độc; cung cấp kịp thời thông tin thiết thực, sát sườn với nhân dân để giúp đảm bảo sinh hoạt thiết yếu, được chăm sóc sức khoẻ, bớt hoang mang, lo lắng.
Tuyên truyền và làm rõ các thông điệp và tinh thần chỉ đạo trong Công điện số 1099/CĐ-TTg để triển khai thực hiện đến mỗi gia đình, mỗi cá nhân; xác định rõ phương châm “Chỉ có làm nghiệm mới dập được dịch và giảm tử vong”, “Ở nhà giúp kiểm soát dịch thành công”, “Không để ai ở nhà bị đói”, “Thầy, thuốc tại chỗ - Điều trị tại nhà”...
Báo chí, truyền thông trực tiếp tham gia chống dịch, lấy việc thông tin, hướng dẫn, góp ý giải pháp chống dịch hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân làm mục tiêu lớn nhất của công tác báo chí - truyền thông.
Báo chí cũng là kênh thông tin trung thực, khách quan, xây dựng và có trách nhiệm, giúp trung ương và địa phương điều hành, giải quyết các vấn đề sát sườn đối với người dân trong công tác phòng, chống dịch; không để tác động tiêu cực đến hình ảnh và môi trường kinh doanh đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tin, tuyên truyền cân bằng, kịp thời, đúng bản chất, dễ hiểu đối với các quyết sách đặc biệt và các giải pháp mới của các ngành, các cấp (đặc biệt là các giải pháp mới về y tế, về đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội) nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh; hiểu rõ cách phòng, chống dịch, tự theo dõi, điều trị và hỗ trợ người thân điều trị khi bị lây nhiễm nhưng chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế về kỹ năng phòng, chống dịch.
Thông tin, tuyên truyền với tất cả trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp người làm báo
Bộ TT&TT cũng yêu cầu thông tin hài hòa về tỷ lệ giữa công tác phòng, chống dịch ở TP.HCM, các tỉnh phía Nam và công tác phòng, chống dịch chung của cả nước, của thế giới. Đặc biệt cần thông tin, tuyên truyền với tất cả trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp người làm báo cách mạng để góp phần làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Bộ TT&TT cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan báo chí phải tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo, định hướng thông tin trong các tình huống đòi hỏi sự chấp hành ngay lập tức các yêu cầu đối với công tác thông tin, tuyên truyền, phải có giải pháp đảm bảo an toàn dịch tễ tốt nhất cho đội ngũ phóng viên.
Các tỉnh, thành phố, bộ, ngành thống nhất trong phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, cả về nội dung và tần suất, từ 1-2 lần/ngày, tùy theo yêu cầu và diễn biến của công tác phòng, chống dịch.
Về nội dung và kế hoạch cụ thể, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với công tác truyền thông, Bộ TT&TT cũng yêu cầu một số nội dung cụ thể.
Trước hết các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền nổi bật các giải pháp của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền Thành phố; nỗ lực của Thành phố chăm lo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, đặc biệt ở tầng lớp người nghèo, người lao động tự do...
Nhấn mạnh sự tăng cường tham gia của quân đội, công an, các lực lượng khác là để cùng Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn của đại dịch (đặc biệt là lo cái ăn và lo chữa bệnh cho người dân). Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều thách thức, đề nghị báo chí thận trọng trước các thông tin nhất là các sơ xuất không mong muốn trong việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, về các ca tử vong do hạ tầng y tế chưa đáp ứng kịp; không đăng tải các dự báo thiếu căn cứ về các nguy cơ, nhất là việc các doanh nghiệp FDI rút vốn đầu tư.
Thận trọng khi sử dụng và không bình luận hình ảnh các phương tiện, vũ khí, khí tài của quân đội công an tại Thành phố, tránh để bị lợi dụng, kích động, xuyên tạc, chống phá;
Đấu tranh phản bác kịp thời các thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng. Cơ quan báo chí có sai sót khi đăng tải thông tin thì phải đính chính ngay. “Trong lúc này phải động viên nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị, nên tuyệt đối không đưa những tin, bài có ý chê trách, so sánh lực lượng này hay lực lượng khác, đấu tranh chống tâm lý kỳ thị, so sánh vùng miền, thành phần xã hội...” - công văn nêu rõ.
Không giật tít tin, bài theo kiểu dạng nghi vấn, lửng lơ dễ gây suy diễn, hiểu theo hướng tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, không phản ánh bản chất tình hình chung...
Chủ động đấu tranh với các thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái
Công văn cũng nêu rõ cần tăng cường thông tin hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống dịch, như: thực hiện giãn cách, đảm bảo phòng, chống dịch trong sinh hoạt hàng ngày, tự theo dõi và bảo vệ sức khỏe, cách ly và điều trị tại nhà.
Tập trung thông tin về những nỗ lực trong công tác điều trị và các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước, tiến độ nhập, phân phối và tiêm vắc xin gắn với việc thiết lập các vùng an toàn với F0 (được hiểu là các vùng đã được tiêm vắc xin đối với đại bộ phận dân cư).
Thông tin nhanh, đúng, đủ liều lượng, rõ ràng về các giải pháp mới của ngành y tế trong việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, tự xét nghiệm, hoạt động của các đội chăm sóc y tế lưu động tại các phường, xã trên địa bàn quận, huyện, thị xã nhằm giúp người dân yên tâm và biết cách huy động sự trợ giúp về y tế trong quá trình theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú.
Bộ TT&TT cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cử phóng viên có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn chuyên trách thông tin về phòng, chống dịch; chủ động theo dõi các thông tin, quan điểm, hình ảnh trên không gian mạng xã hội để lan tỏa những thông tin tích cực đã được kiểm chứng, cảnh báo tin giả, xuyên tạc, bóp méo, cắt cúp sự thật.
Trực tiếp chủ động đấu tranh ngay trên không gian mạng hoặc trên mặt báo đối với các thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái, đặc biệt với những tin tức lan tỏa với quy mô, tốc độ bất thường, có ý đồ, mục đích xấu.
Bên cạnh đó, các mạng xã hội trong nước, trang tin điện tử tổng hợp tham gia tích cực vào việc lan tỏa các thông tin hữu ích, thiết thực giúp các ngành, các cấp và người dân chống dịch hiệu quả, biết cách làm cụ thể để đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu về ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tổ chức sử dụng các nền tảng zalo, viber... thông báo rộng rãi, ngắn gọn các chính sách để giúp người dân yên tâm thực hiện…
Đồng thời, Bộ TT&TT cũng có những số yêu cầu đặc biệt đối với công tác chỉ đạo truyền thông liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong đó lưu ý tất cả thông tin trên báo chí (báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh) liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch đều phải được đăng, phát hết sức thận trọng, phù hợp… Tuyệt đối không khai thác lại mà không kiểm chứng, xác minh đối với những chất liệu chỉ xuất hiện trên mạng xã hội; tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, không phản ánh bản chất tình hình chung…