Những năm gần đây, trên mạng xã hội, mật độ xuất hiện những tin giả ngày càng tăng. Ảnh minh họa.
Tin giả và nguyên nhân
Theo các chuyên gia, tin giả (fake news) là tin tức được đưa ra không dựa trên sự thật hoặc chỉ dựa trên một phần sự thật, hoặc phóng đại sự thật, bóp méo sự thật để dẫn dụ công chúng đi theo ý đồ của chủ thể thực hiện truyền thông. Tin giả tồn tại như một phần tất yếu của đời sống xã hội. Nó ra đời dựa trên tâm lý hiếu kỳ của con người thích những chuyện mới lạ, bất ngờ, kịch tính. Trước đây, tin tức không có thật thường được gọi là tin vịt, tin bịa, tin thất thiệt. Với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, một ma trận thông tin sai sự thật, không những làm xói mòn lòng tin của độc giả vào truyền thông mà còn làm nhiễu loạn đời sống tinh thần, chính trị, kinh tế của hầu hết các quốc gia.
Những năm gần đây, trên mạng xã hội, mật độ xuất hiện những tin giả ngày càng tăng. Thời gian đầu chỉ là những thông tin mang tính chất phóng đại sự thật rồi dần dần đến sai sự thật, bóp méo sự thật nhằm nhiều mục đích khác nhau xuất hiện ngày càng nhiều, với tần suất dày đặc hơn.
Có 3 nhân tố cơ bản trong việc hình thành và lan truyền tin tức giả:
Một là thông điệp truyền đi. Tin giả thường được xây dựng dựa trên sự kiện nóng, được xã hội quan tâm. Nhờ vậy, tin tức giả được lồng ghép với những yếu tố thực tế khiến công chúng khó có thể phát hiện được thật giả, thậm chí càng dễ dàng chiếm được niềm tin đối với công chúng. Những thông điệp được truyền đi trong những tin tức giả luôn sử dụng những ngôn từ và nội dung gây sốc, gây hoang mang cho dư luận xã hội và lợi dụng phản ứng rất mạnh mẽ của công chúng về các vấn đề liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, đến sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người dân. Điển hình như sự lan tràn tin tức giả về dịch Covid-19 thời gian vừa qua đã thu hút hàng ngàn lượt thích và bình luận, gây náo loạn dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý của rất nhiều người.
Hai là truyền thông xã hội chính là tác nhân mạnh mẽ lan truyền tin tức giả. Truyền thông xã hội là một trong những công cụ hữu hiệu nhất lan truyền tin giả, bởi lẽ mạng xã hội với độ tương tác, tính lan tỏa cao đã tạo nên một mạng lưới cộng đồng người dùng khổng lồ với nhiều luồng thông tin đa dạng và nhiều chiều. Người dùng có thể thấy bất kỳ loại tin tức nào, một cách sớm nhất trên mạng xã hội, thậm chí sớm hơn cả trên báo chí. Tại Việt Nam, với việc số lượng người dân tham gia các mạng xã hội lên đến 67% tổng dân số, thách thức đặt ra với các cơ quan chức năng về việc kiểm soát tin giả trên không gian mạng là không nhỏ.
Ba là người dùng mạng xã hội - tác nhân phát tán tin tức giả. Họ chính là người chia sẻ tin giả vì tin rằng những thông tin từ bạn bè mình là thật mà không nghĩ đến việc xác thực những tin tức đó trên các trang báo chính thống.
Báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng cần có nghĩa vụ vạch trần tin giả. Ảnh: Văn Nam
Thách thức của tin giả và vai trò của báo chí
Tin giả đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí. Với ưu thế nhanh, nhạy, tính tương tác cao và sự lan tỏa lớn..., mạng xã hội đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt với báo chí truyền thống. Tuy nhiên, dù mạng xã hội có số lượng thông tin cực kỳ lớn, phù hợp nhu cầu tiếp nhận của nhiều người, nhưng hầu hết chưa được kiểm chứng, thiếu độ tin cậy. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí chính thống. Thay vì kịp thời ngăn chặn và đối phó với tin giả, trong một số vụ việc, thời điểm, báo chí chính thống vẫn còn chậm. Trong khi tin giả xuất hiện với tần suất dày đặc trên nhiều kênh khác nhau thì một số cơ quan báo chí vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc thẩm định thông tin và định hướng dư luận. Nhiều đơn vị báo chí hiện nay còn xem mạng xã hội như là công cụ hỗ trợ đắc lực để khai thác nguồn tin, truyền tải thông tin đến độc giả… Tuy nhiên, nếu không thận trọng, tỉnh táo thì rất dễ bị những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội dẫn dắt; hoặc trở thành công cụ sản xuất nội dung cho mạng xã hội bằng việc chỉ tiếp nhận nguồn tin chưa qua kiểm chứng để xử lý thành sản phẩm báo chí.
Tin giả giống như một bệnh dịch đang tìm cách len lỏi và phát tán trong cộng đồng, xuyên tạc và gây hoang mang trong dư luận xã hội. Bởi vậy, báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng cần có nghĩa vụ vạch trần tin giả, những thông tin bóp méo sự thật. Báo chí không thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng báo chí cần phải vượt lên mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo. Sự tin cậy, tính thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại kỹ thuật số.
Do vậy, các cơ quan báo chí cần thay đổi để nắm bắt xu thế cũng như tận dụng những lợi thế do mạng xã hội mang lại; cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác, hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân... để kích động, trục lợi. Muốn làm được điều này, hơn lúc nào hết, trong cuộc chiến chống lại tin giả, các nhà báo phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, không ngừng đổi mới, cung cấp kịp thời những thông tin chính xác, khách quan và chân thực, đăng thông tin có kiểm chứng một cách công khai, minh bạch, đưa ra những bình luận sắc sảo góp phần nâng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả. Có như vậy, báo chí mới được xã hội tìm đọc, uy tín của tờ báo mới được nâng cao, góp phần khẳng định vị thế vững chắc của các cơ quan báo chí chính thống trong lòng độc giả.
An Nhiên/Tc GĐ&TE