Để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội non sông
Tại cuộc họp báo công bố kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn nhận định, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã diễn ra trong không khí phấn khởi, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và đã thành công rất tốt đẹp với tỷ lệ cử tri đi bầu là 99,6%. Cuộc bầu cử đã thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Trong sự thành công đó, theo Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn có vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền của cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đã được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực. Với đội ngũ đông đảo phóng viên báo chí tham gia đưa tin có tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, chuyên nghiệp, các nhà báo đã đóng góp tích cực vào thành công của cuộc bầu cử.
Trước đó, với phương châm "Tuyên truyền phải đi trước một bước" để góp phần vào tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021- 2026, ngay từ đầu năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có văn bản hướng dẫn tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, công tác tuyên truyền đã được tiến hành từ tháng 1/2021, cao điểm từ tháng 4/2021 đến ngày bầu cử 23/5/2021 và vẫn tiếp tục sau khi kết thúc bầu cử, công bố kết quả bầu cử.
Sau chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí đã tăng thời lượng, tần suất, số lượng tin, bài thông tin tuyên truyền. Nhiều tờ báo đã mở chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, tuyên truyền có hiệu quả về bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Nội dung tuyên truyền tập trung vào ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nêu bật những thành tựu của Quốc hội và HĐND các cấp qua các thời kỳ, khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, báo chí cũng tập trung tuyên truyền những thông tin về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và HĐND; các quy định về trình tự, thể thức bầu cử; công tác chuẩn bị nhân sự, hiệp thương và gặp gỡ, tiếp xúc cử tri của người được giới thiệu ứng cử…
Một nội dung quan trọng khác cũng được báo chí tập trung là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về bầu cử, giới thiệu với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với nhân dân các nước trên thế giới biết thể thức và không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình bầu cử; đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.
Qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện chính trị này là nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, góp phần để nhân dân tích cực ủng hộ, nêu cao tinh thần làm chủ, trách nhiệm công dân, tự giác tham gia bầu cử; tạo không khí tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân, làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
Nhờ những thông tin tuyên truyền về bầu cử trên báo chí, người dân đã hiểu rõ, đầy đủ trách nhiệm của mình, đồng thời tích cực, chủ động tham gia bầu cử. Bên cạnh đó, báo chí cũng góp phần phát hiện ra những ứng viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm về đạo đức, phẩm chất chính trị, không xứng đáng bầu vào các cơ quan dân cử… qua đó góp phần rất quan trọng vào thành công của bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Cầu nối giữa cơ quan dân cử và nhân dân
Những năm gần đây, thông qua các cơ quan truyền thông, hoạt động của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố đã được truyền tải sâu rộng đến đến cử tri và các tầng lớp nhân dân. Nhiều vấn đề, nội dung "nóng" được các phóng viên đưa tin và phỏng vấn các đại biểu. Sự hiện diện của báo chí và truyền thông trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp và đại biểu dân cử.
Có thể khẳng định, thông tin truyền thông có ý nghĩa quan trọng đối với các cơ quan dân cử, hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp không thể thiếu vai trò của báo chí. Báo chí có chức năng giám sát, phản ánh hoạt động của Quốc hội và HĐND. Báo chí cung cấp, lan tỏa thông tin, là lực lượng đồng hành với các cơ quan dân cử và các đại biểu. Báo chí luôn đồng hành cùng dân tộc, làm tốt vai trò chính trị - xã hội, truyền tải rất nhiều thông điệp, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Kế hoạch kiện toàn tổ chức, sắp xếp nhân sự từ Trung ương đến địa phương đều đã được các cơ quan báo chí phản ánh chính xác, sinh động, mang tính thời sự cao, giúp người dân tiếp nhận thông tin một cách tích cực và đầy đủ.
Khi dịch bệnh tác động mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, để phù hợp hoàn cảnh, Quốc hội khóa 14 cũng đã tiến hành các cuộc họp trực tuyến. Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng linh hoạt chuyển từ hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp sang tiếp xúc vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Trong bối cảnh đó, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác truyền thông về cuộc bầu cử toàn dân. Các ứng cử viên có thể tự giới thiệu, vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin, đó thực sự là cách tiếp cận cử tri hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của ứng cử viên, đáp ứng yêu cầu của cử tri.
Đề cập đến tầm quan trọng của báo chí với cơ quan dân cử, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri và nhân dân cả nước nắm bắt kịp thời chương trình nghị sự của Quốc hội, chỉ riêng tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV đã tổ chức 8 buổi phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Qua báo cáo tổng hợp, chỉ riêng trong kỳ họp thứ 11 các cơ quan thông tấn, báo chí đã có hàng nghìn tin, bài phản ánh về hoạt động của Quốc hội. "Một số cơ quan báo chí đã mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phản ánh đậm nét, sâu rộng về hoạt động của kỳ họp Quốc hội, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp Quốc hội khóa XIV," ông Tuấn cho biết.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định và đánh giá cao vai trò của báo chí, nhất là trong việc xây dựng hình ảnh của đại biểu dân cử đến công chúng. Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, trước thực trạng truyền thông mạng xã hội lấn lướt báo chí chính thống, báo chí phải xây dựng được đội ngũ làm báo giỏi hơn, phân tích sâu hơn mạng xã hội để phản bác những luận điệu sai trái trên mạng xã hội; đồng thời những người làm truyền thông cần phải xây dựng được chiến lược cụ thể, góp phần định hướng dư luận xã hội…