Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng, qua đó, giảm nguy cơ bị mua bán và tăng cường kỹ năng phòng, tránh mua bán người. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo sự bình đẳng và tăng tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng bền vững.
Trong năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt 100% các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch, đảm bảo yêu cầu về nội dung và đạt được các chỉ tiêu đề ra; 100% trường hợp sau khi được xác định là nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu và hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của nạn nhân, giúp nạn nhân nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, phòng tránh bị mua bán trở lại; 100% cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn và các kỹ năng liên quan.
Để đạt những chỉ tiêu nói trên, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, người dân, nhất là người có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về.
Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương trong các giải pháp tạo việc làm tại địa phương để hạn chế việc đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trơ nạn nhân.
Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm; phòng chống tệ nạn xã hội; trợ giúp xã hội; giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ nạn nhân; thống kê số liệu về hỗ trợ nạn nhân. Củng cố cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của nạn nhân.
Thừa Thiên Huế cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Trong năm 2022, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống mua bán người. Đơn vị đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người cho 120 cán bộ phường, xã và các đoàn thể của 3 huyện Nam Đông, Phú Lộc và A Lưới; đào tạo nghề cho 10 nạn nhân bị mua bán trên địa bàn huyện A Lưới. Sở cũng xây dựng quy chế phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ trong công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" năm 2022.