Quyền học tập của trẻ khuyết tật
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong những năm 2016-2017, tại Việt Nam có 94,2% trẻ em khuyết tật tham gia học tập ở các trường học thông thường. Mặc dù số lượng lớn trẻ em đang được giáo dục hòa nhập nhưng thách thức đặt ra là bảo đảm công bằng trong giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật từ các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội thấp hơn.
Sự tham gia giáo dục hòa nhập của trẻ em khuyết tật trong độ tuổi từ 5 đến 14 ở các hộ gia đình nghèo thấp hơn so với tỷ lệ trẻ em không khuyết tật (21%).
UNICEF cho biết: “Hiện nay, những trẻ em này vẫn phải đối mặt với một số rào cản để giáo dục hòa nhập xa tầm với, đặc biệt là thiếu các cơ sở vật chất, trường chuyên biệt, chuyên ngành và đào tạo cho giáo viên có nhiều khác biệt của định nghĩa về trẻ khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau. Tất cả các lý do nêu trên đã đưa ra một hệ quả là còn quá nhiều trẻ em khuyết tật không được tới lớp học, không hoàn thành chương trình tiểu học hoặc trung học và không được đòi quyền lợi cơ bản của các em là được tiếp cận một nền giáo dục có ý nghĩa”.
Không được tiếp cận giáo dục là rào cản chính đối với NKT tham gia toàn diện vào xã hội. Bên cạnh đó, NKT cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các bậc học cao hơn, vì các trường học chưa bảo đảm tiếp cận và không có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học bảo đảm tiếp cận cho NKT.
Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em bình thường trong trường phổ thông ngay tại nơi trẻ sinh sống. Giáo dục hòa nhập là "hỗ trợ mọi học sinh, trong đó có trẻ khuyết tật, cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết trong lớp học, nhằm chuẩn bị trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội".
Hòa nhập không có nghĩa là "xếp chỗ" cho trẻ khuyết tật trong trường lớp phổ thông; đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết, thể hiện trong việc điều chỉnh chương trình, các đồ dùng dạy học, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt, các kỹ năng giảng dạy đặc thù...
Số trẻ khuyết tật đi học ngày càng tăng
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật đã đạt được những thành quả quan trọng về nhiều mặt. Hệ thống quản lý giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành ở 64 tỉnh, thành phố và bước đầu đi vào hoạt động. Mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cho giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành và đang phát triển.
Cùng với đó, các chương trình giáo dục trẻ khuyết tật được xây dựng và triển khai thực hiện. Phương thức giáo dục hòa nhập phù hợp hoàn cảnh nước ta đang ngày càng được áp dụng rộng rãi. Số trẻ khuyết tật đi học ngày càng tăng.
Thực hiện Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, công tác giáo dục hòa nhập đối với NKT đã được quan tâm thực hiện, các chương trình giáo dục hòa nhập các cấp được xây dựng, ban hành, tạo điều kiện cho NKT, đặc biệt là trẻ em khuyết tật có cơ hội tiếp cận giáo dục.
Đến nay, Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh ở trên 20 tỉnh, thành phố; đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật. Các cơ sở này triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học phổ thông. Số trẻ khuyết tật được đi học ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua .
Theo số liệu Điều tra quốc gia về người khuyết tật, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật khoảng 88,7%, trung học phổ thông là 33,6%.
Hiện nay cả nước có 4 trường Đại học sư phạm và 3 trường Cao đẳng sư phạm thành lập khoa Giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Hằng năm, các trường này đào tạo được gần 600 giáo viên dạy trẻ khuyết tật; tập huấn giáo dục hòa nhập cho 600 - 700 cán bộ quản lý và từ 2.000 - 2.500 giáo viên mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán của 63 tỉnh/thành phố về nghiệp vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật để những người này tiến hành tập huấn, hướng dẫn cho những giáo viên tại các địa phương về giáo dục hòa nhập, tiếp tục phát triển mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong cả nước.
Mặc dù Luật Người khuyết tật qui định về giáo dục hòa nhập và xác định đó là mô hình giáo dục chính cho NKT, tuy nhiên cũng còn những rào cản nhất định trong thực tế làm ảnh hưởng đến quyền học tập của NKT như: Nhiều cơ sở giáo dục không có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính, chữ nổi cho người khiếm thị, hay hệ thống cơ sở vật chất tiếp cận cho NKT như lối đi, nhà vệ sinh để cho người sử dụng xe lăn...
Đặc biệt là ở khu vực nông thôn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, số trẻ khuyết tật ở những khu vực này thường là hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, do đó sự tham gia giáo dục cũng gặp khó khăn. Nhìn chung, chương trình giáo dục hòa nhập đã giúp cho trẻ khuyết tật được tiếp cận, học tập. Luật Người khuyết tật được ban hành năm 2010, sau hơn 10 năm thi hành, các quyền cơ bản của NKT đã được bảo đảm.
Giáo dục hòa nhập không chỉ mang lại kết quả học tập tốt hơn cho NKT mà còn thúc đẩy sự khoan dung, gắn kết xã hội và thúc đẩy sự tham gia bình đẳng trong xã hội. Bởi vậy, bảo đảm quyền tiếp cận toàn diện hệ thống giáo dục hòa nhập cho NKT là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc bảo đảm quyền cho nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương.