Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Báo động kiến ba khoang ‘tấn công’ người

Ngày 9/10, các hộ dân ngụ ở tòa chung cư N03, khu tái định cư Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội phản ánh tình trạng kiến ba khoang vào nhà thường xuyên trong những ngày gần đây. Có hộ dân mỗi tối bắt và diệt từ 10 - 20 con kiến.

Kiến ba khoang - Ảnh: jeffdelonge

Vào chung cư, ký túc xá

Theo Bệnh viện (BV) Da liễu Hà Nội, số bệnh nhân đến khám do kiến ba khoang cắn tăng trong những ngày gần đây, có cả người lớn và trẻ nhỏ. “Đã có những bệnh nhân tự bôi thuốc điều trị nhưng không khỏi mới đến BV khám trong tình trạng bội nhiễm, viêm da. Chất tiết của kiến ba khoang khi tiếp xúc với da người sẽ gây bỏng, rát, tổn thương bề mặt da khiến vi khuẩn dễ xâm nhập cũng là nguyên nhân gây viêm da”, bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc BV Da liễu Hà Nội, cho biết

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết kiến ba khoang thường làm ổ ở những khu vực có nhiều cây cối, bụi rậm, các bãi đất trống. Để ngăn chặn bị kiến ba khoang tấn công, cần phát quang bụi rậm xung quanh nơi ở, phun hóa chất. Ông Dũng lưu ý, đối với từng hộ gia đình khi gặp kiến ba khoang có thể xử lý bằng cách dùng thuốc xịt muỗi hay kiến thông thường để tiêu diệt.

Theo thống kê của Trung tâm quản lý ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP.HCM (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM), trong tháng 9.2015, tại đây có 294 sinh viên bị kiến ba khoang cắn phải điều trị; từ đầu tháng 9 đến hôm qua đã có 630 lượt các phòng trong KTX phát hiện loại kiến này. Bà Phùng Thị Hương Lan - Phó giám đốc Trung tâm quản lý KTX, cho biết hằng năm khoảng tháng 9, kiến ba khoang xuất hiện nhiều tại KTX; đặc biệt 2 tuần cuối tháng 9.2015 số lượng kiến ba khoang tăng đột biến, mỗi ngày có tới 40 - 45 sinh viên bị kiến này cắn phải đến trạm y tế khám, điều trị.

Trước tình trạng này, tối 3.10 KTX phối hợp Trung tâm y tế dự phòng Q.Thủ Đức dùng 15 máy phun, một xe chuyên dụng để phun xịt thuốc tại 3.500 phòng và toàn bộ khuôn viên KTX để diệt kiến ba khoang. Theo bà Lan, sau lần phun thuốc ngày 3.10 thì sinh viên bị kiến ba khoang cắn giảm xuống. Tại chung cư Era Town (Q.7, TP.HCM) những ngày qua kiến ba khoang cũng xuất hiện tại đây cắn một số người.

Vào cả bệnh viện

Nhiều ngày qua, người bệnh cũng như người nuôi bệnh tại BV đa khoa (BVĐK) TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long) lo lắng vì bị kiến ba khoang tấn công, gây tổn thương da. Sản phụ Phạm Thị Hiền (ngụ xã An Khánh, H.Châu Thành, Đồng Tháp) nằm hậu sản tại BV nhiều lần bị kiến ba khoang cắn gây tổn thương da trên mặt và cổ. Bà Phạm Thị Nương (ngụ xã An Bình, H.Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết: “Tôi nuôi đứa cháu bệnh ở BV này 4 ngày nay thấy kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào ban đêm, tôi không dám ngủ mà ngồi bắt kiến cho cháu”.
Theo lãnh đạo BVĐK TP.Vĩnh Long, những ngày gần đây kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều trong BV và hầu như khoa phòng nào cũng có kiến này hiện diện. Không ít bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh bị kiến cắn, độc tố của kiến ba khoang làm tổn thương da, ngứa rát. Bác sĩ Dương Đình Vũ, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK TP.Vĩnh Long, nói: “Trung tâm y tế dự phòng cũng đến phun hóa chất nhưng hiện chưa diệt hết được loài kiến này”.

Độc tố kiến có thể gây cháy, bỏng da

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Châu (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư), kiến ba khoang có chứa độc tố. Khi thân kiến bị dập, độc tố trong cơ thể kiến dính lên da sẽ gây phồng rát và viêm da. Loài kiến này có chứa chất pederine, độc gấp 12 lần nọc độc rắn hổ mang, có thể gây cháy, bỏng da giống như chất phospho ở con giời leo.

PGS-TS Nguyễn Văn Châu lưu ý, vào mùa mưa, ban đêm kiến ba khoang theo ánh đèn bay vào nhà, khi chúng ta vô tình đưa tay quệt, đập sẽ khiến chất pederine dính lên da gây viêm da, bỏng da. Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, sau 6 - 12 giờ tạo thành một đám phù nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ, vài ngày sau chuyển thành phỏng nước, phỏng mủ, cảm giác đau, rát càng tăng. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt. Cần tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác kiến rơi vào cổ, mặt.