Nhiều vụ đuối nước tập thể thương tâm
Mới đây nhất, chiều 18/4, tại xã Hòa An, huyện Krông Pắk xảy ra vụ đuối nước khiến 3 học sinh tử vong. Khoảng 13h30 ngày 18/4, nhóm 5 học sinh rủ nhau ra đập nước Bà Tỵ tại thôn Thăng Tiến 2, xã Hòa An chơi. Trong lúc chơi đùa tại khu vực tràn nước, 3 em nữ bị trượt chân ngã xuống hố nước sâu. 2 em còn lại chạy đi gọi người đến ứng cứu, tuy nhiên khi được cứu vớt thì cả 3 em đã tử vong. Nạn nhân là các em Bùi Thị Huyền Tr., Lại Thị Minh Th. ngụ thôn Thăng Tiến 1 và Hồ Thị Thanh Tr. ngụ thôn Thăng Tiến 2, cùng sinh năm 2012, học lớp 4B, Trường Tiểu học Trần Phú, xã Hòa An.
Ngày 11/4, tại huyện Krông Năng xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến hai chị em tử vong. Nạn nhân là em N.T.T (lớp 10, Trường THPT Nguyễn Huệ) và L.H.B (lớp 3, Trường Tiểu học Bế Văn Ðàn). Chiều 11/4, hai chị em phụ giúp gia đình ra vườn cắt cỏ, không may em B. trượt chân vào hồ nước sâu ở gần nhà. Thấy em gái rơi xuống hồ, T. nhảy xuống cứu nhưng cả hai chị em đều đuối nước, tử vong.
Trước đó 1 ngày, vào chiều 10/4, tại huyện Krông Năng cũng đã xảy ra một vụ đuối nước khiến 3 học sinh tử vong. Các em N.T.H.G. (học sinh lớp 8, Trường THCS Ama Trang Lơng); N.T.N.T. (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc - em gái của em G.) và em M.T.D. (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc), xã DliêYa rủ nhau ra một hồ nước ở xã DliêYa bắt ốc không may bị trôi xuống khu vực nước sâu và đuối nước tử vong.
Ðây là 3 vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại Ðắk Lắk đầu tháng 4. Trước đó, riêng những ngày cuối tháng 3/2022, tại huyện Ea Súp và Krông Búk đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 5 trẻ tử vong.
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Thống kê của Sở LÐ-TB&XH tỉnh Ðắk Lắk cho thấy, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 54 vụ đuối nước khiến 73 trẻ tử vong; con số này của năm 2021 là 48 vụ với 51 trẻ thiệt mạng. Và chỉ tính riêng trong vòng hơn 20 ngày (cuối tháng 3 và đầu tháng 4), trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk đã xảy ra 5 vụ đuối nước khiến 13 trẻ em tử vong.
Qua các vụ đuối nước vừa xảy ra ở Ðắk Lắk, chúng ta có thể thấy rõ một điều là nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em còn hạn chế, từ đó dẫn đến tâm lý chủ quan, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa cho trẻ. Nhiều gia đình đào ao, hố sâu để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng không xây dựng rào chắn, không có biển báo nguy hiểm. Một số gia đình chủ quan, không cử người trông coi, giám sát trẻ thường xuyên, để trẻ tự do đi chơi, tắm ở những khu vực nguy hiểm... Bên cạnh đó là công tác phổ cập bơi cho trẻ em chưa thực sự được chú trọng. Tỷ lệ trẻ em biết bơi và được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước còn chưa cao, đặc biệt là trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Tỉnh Ðắk Lắk sắp bước vào mùa mưa, nước trên các ao, hồ, sông, suối… sẽ dâng cao. Ðặc biệt, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là trẻ em được nghỉ hè, tai nạn đuối nước có nguy cơ tăng. Ðể tránh tình trạng đuối nước trẻ em tiếp tục gia tăng, các ngành chức năng tỉnh Ðắk Lắk đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.
Các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng chống đuối nước trên địa bàn, đặc biệt là trong gia đình và nhà trường. Rà soát các khu vực sông, suối, ao hồ, nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp bảo đảm an toàn như làm rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các khu vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ em. Tổ chức dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em tự phòng tránh tai nạn đuối nước…
Ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở LÐ-TB&XH Ðắk Lắk chia sẻ, trong vài năm trở lại đây, tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Ðắk Lắk tuy có giảm, nhưng còn khá cao, đặc biệt là xảy ra nhiều vụ đuối nước tập thể. Cơ quan chức năng và các địa phương liên tục khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là trong dịp hè.
“Cơ quan LÐ-TB&XH là đơn vị chủ trì, chính quyền địa phương ở huyện, xã là phải tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, hay những đối tượng bảo trợ trẻ em khác phải thường xuyên giám sát trẻ em tại nhà, không để con trẻ đi một mình đến các khu vực sông suối, ao hồ nguy hiểm”, ông Nguyễn Duy Tuyết cho biết.
Về công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh, ông Ðỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Ðắk Lắk thông tin: Sở GD&ÐT tỉnh chỉ đạo các nhà trường chủ động giáo dục về kỹ năng sống, về phòng chống đuối nước cho học sinh; cử các giáo viên bộ môn thể chất đi tập huấn đại trà để về hỗ trợ dạy bơi cho các học sinh. Xây dựng bộ tiêu chí phòng chống tai nạn thương tích trong đó có đuối nước tại tất cả các nhà trường, phấn đấu đến năm 2030 giảm 10% các vụ đuối nước, đến năm 2025, 50% học sinh trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk biết bơi.
Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn xã hội, thời gian tới tỉnh Ðắk Lắk sẽ giảm thiểu tới mức thấp nhất những vụ đuối nước thương tâm.
Sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng
Theo BS. Lê Ngọc Duy - Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi trẻ bị đuối nước cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ. Các bước cấp cứu trẻ bị đuối nước như sau:
Bước 1: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…
Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh, nên cần đặt ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
Bước 5: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.
Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm trẻ sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của đội Cấp cứu 115.
Chú ý: Trong quá trình sơ cứu đuối nước, tránh các sai lầm thường gặp: dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra, việc vác chạy sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.