Hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Theo báo cáo của Cục Việc làm, năm 2022, các trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận 983.810 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 22,7% so với năm 2021 (801.925 người), trong đó 975.333 người có quyết định hưởng TCTN, tăng 27,6% so với năm 2021 (764.643 người) và chiếm 99,1% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. 3 tháng đầu năm 2023, 146.000 người nộp hồ sơ hưởng TCTN, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022 (167.267 người), trong đó 128.460 người có quyết định hưởng TCTN.
Năm 2022, cả nước có 2.225.758 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (TVGTVL), bằng 226,2% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021 (1.789.586 lượt người); 3 tháng đầu năm 2023, 347.089 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022 (375.788 lượt người).
Về hỗ trợ học nghề, năm 2022, có 21.825 người được hỗ trợ học nghề, tăng 18,8% so với năm 2021 (18.368 người), bằng 2,2% so với số người có quyết định hưởng TCTN; 3 tháng đầu năm 2023 có 4.237 người được hỗ trợ học nghề, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2022 (3.598 người).
Sau 14 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tham gia BHTN, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ học nghề tìm việc làm để quay lại thị trường. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có trên 14 triệu người tham gia BHTN, đạt 28,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Có thể thấy, chính sách BHTN có được kết quả như hiện nay là nhờ hệ thống văn bản hướng dẫn BHTN đã tương đối hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện. Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành LĐ-TB&XH, BHXH, tài chính, nội vụ và các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động...
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, chính sách BHTN ngày càng phát huy được vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là một công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động... với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Nếu gặp rủi ro về việc làm, chính sách BHTN có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới; đồng thời, người thất nghiệp còn được hưởng chế độ BHYT, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.
"Rõ ràng, đây là chính sách rất ưu việt và trong những năm qua, chính sách BHTN đã bao phủ được hầu hết người lao động không may mất việc làm", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Hướng tới mục tiêu chủ động phòng ngừa thất nghiệp
Đề cập đến vai trò của chính sách BHTN, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, khi xảy ra đại dịch Covid-19, thị trường lao động biến động mạnh với những rủi ro đột biến, chính sách BHTN đã đóng vai trò nổi bật trong việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt. Trong thời gian giãn cách xã hội, hệ thống cơ quan thực hiện chính sách BHTN, nhất là ở những tỉnh, thành lớn và tập trung nhiều lao động như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… vẫn có hàng trăm nghìn người thất nghiệp đến đăng ký hưởng TCTN và tìm việc làm mới. Các cán bộ tiếp nhận giải quyết chính sách đã rất nỗ lực làm việc để giải quyết quyền lợi cho người lao động… Bên cạnh đó, còn có hàng triệu người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường.
Theo ông Vũ Trọng Bình, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, mở cửa và hội nhập với thế giới. Vì thế, chính sách BHTN hiện hành không còn đáp ứng được yêu cầu, quy mô của nền kinh tế, đòi hỏi cần phải thiết kế lại đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là để quản trị hiệu quả Quỹ BHTN.
Vai trò của Quỹ BHTN ở tất cả các nước trên thế giới, cả về mặt lý luận và thực tiễn đều đã khẳng định rõ không chỉ chi trả, chia sẻ rủi ro mà quan trọng hơn là còn phải hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. 14 năm qua, chính sách BHTN đã làm tốt việc chi trả, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, nhưng để đáp ứng được yêu cầu đề ra vẫn còn nhiều việc phải làm. Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, việc thực hiện chính sách BHTN đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhất là chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp còn mờ nhạt.
“Qua đánh giá của chúng tôi, địa bàn nào công nghiệp hóa càng mạnh, thị trường lao động càng phát triển thì vai trò của Quỹ BHTN càng lớn. Thất nghiệp cũng là một trong những rủi ro của quá trình công nghiệp hóa và Quỹ BHTN sẽ giúp ổn định, phát triển thị trường lao động, là công cụ của Nhà nước để quản trị thị trường lao động. Việc cải cách, đổi mới chính sách BHTN chính là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản trị thị trường lao động thích ứng với thông lệ thế giới và đòi hỏi của thực tiễn hiện nay”, ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.
Để BHTN trở thành công cụ hữu hiệu quản trị thị trường lao động, theo Cục trưởng Cục Việc làm, việc trước mắt là sửa Luật Việc làm với 4 nhóm chính sách lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ người lao động và thúc đẩy việc làm bền vững, trong đó, nhóm chính sách thứ hai là hoàn thiện chính sách BHTN làm công cụ quản trị thị trường lao động. Luật sửa đổi bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHTN, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN là công cụ quản trị thị trường lao động hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa thất nghiệp.
Đề cập đến việc triển khai chính sách BHTN, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm cho biết, thời gian qua, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để tạo thuận lợi cho người lao động nhanh chóng tiếp cận chính sách BHTN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trực tiếp tại trung tâm hoặc qua đường bưu điện hoặc email. Đồng thời thực hiện tư vấn, hướng dẫn qua điện thoại, facebook, zalo… Việc tiếp nhận và giải quyết hưởng chính sách BHTN luôn được bảo đảm theo phương châm 3 đúng: Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời gian.
Ngoài thực hiện hồ sơ, thủ tục để người lao động thụ hưởng chính sách một cách nhanh nhất, trung tâm còn giúp người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động bằng việc tư vấn về việc làm, học nghề cho người lao động. Thông tin việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ, mức lương, thưởng của doanh nghiệp... bằng cách trực tiếp và gián tiếp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, lồng ghép trong các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động, để người lao động nắm bắt, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một công việc phù hợp với khả năng, năng lực, trình độ.
Là đơn vị trực tiếp nhận hồ sơ giải quyết các chế độ BHTN cho người lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, công tác hỗ trợ việc làm, giải quyết chính sách cho lao động hưởng TCTN tại Hà Nội luôn được đẩy mạnh, trở thành một giải pháp quan trọng thúc đẩy phục hồi thị trường lao động.
Ngoài hưởng TCTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng hướng đến tư vấn cho người lao động về các cơ hội việc làm, để tận dụng được nguồn lao động có chất lượng. Theo ông Thành, thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động, giải quyết chính sách BHTN. Hiện đơn vị đã hướng dẫn người lao động trên địa bàn về các bước để đăng ký/đăng nhập và nộp hồ sơ hưởng TCTN trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.