Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp gần 30.000 người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: "Bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp gần 30.000 người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu". tại Hội nghị tuyên truyền về chế độ, chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH Việt Nam được tổ chức ngày 22/2 tại Hà Nội. Cùng dự có Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cùng đại diện các đơn vị liên quan.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng chính sách BHXH tự nguyện khi được liên thông với chính sách BHXH bắt buộc đã giúp gần 30.000 người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Trước đó, họ thuộc nhóm không có cơ hội hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng BHXH. Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng khẳng định, việc triển khai chính sách chưa linh hoạt, chưa tạo điều kiện cho người lao động khi tiếp cận, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đủ hấp dẫn... chính vì vậy tốc độ phát triển đối tượng BHXH tự nguyện còn chậm. “Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Đây là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

 

Từ 1/1/2818, người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ tiền đóng

 

Về việc thực hiện chính sách BHXH và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đây là vấn đề được BHXH Việt Nam quan tâm đặc biệt. “Chúng ta đang ở thời kỳ phấn đấu, quyết tâm bằng mọi biện pháp để thực hiện mục tiêu đặt ra. Trong những năm qua, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hàng năm đều cao hơn so với năm trước, song đối tượng chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ thời gian hưởng lương hưu. Số người tham gia tự nguyện mới còn hạn chế, hàng năm phát triển rất chậm, riêng năm 2016 đối tượng giảm do ảnh hưởng của chính sách mới theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Hiện BHXH Việt Nam đang yêu cầu các cơ quan chuyên môn gấp rút đề xuất các giải pháp tổng thể kết hợp với vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) hoàn thiện chính sách về phát triển đổi tượng tham gia BHXH tự nguyện” – ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.

Theo Luật BHXH 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mức tham gia BHXH tự nguyện mức tối thiểu được hạ từ 22% mức lương cơ sở còn bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/tháng, tối đa không vượt quá 22% của 20 lần mức lương cơ sở, được chọn mức đóng cao hơn để có mức hưởng lương hưu cao hơn khi về già. Người lao động có thể đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm), một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm).

Từ 1/1/2018, nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể mức hỗ trợ bằng 30% đối với người thuộc diện nghèo, 25% đối với người thuộc diện nghèo và bằng 30% đối với các đối tượng còn lại. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ về hưu trí, tử tuất (liên thông giữa chính sách BHXH bắt buộc và tự nguyện). “Để tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện trong thời gian cần tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới cơ chế thực hiện, chuyển đổi tác phong phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đảm bảo việc tham gia và thụ hưởng được thuận lợi nhất. Về lâu về dài cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Chính sách cần đa dạng, linh hoạt, hướng tới đáp ứng được nhu cầu, khả năng của nhiều nhóm đối tượng khác nhau...” – ông Trần Hải Nam nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng chính sách BHXH có nhiều ưu việt, tuy nhiên công tác thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện BHXH Thanh Hóa, phần lớn người dân nông thôn thu nhập còn thấp, không thường xuyên, ở thành thị thì người lao động chủ yếu tham gia BHXH bắt buộc nên việc vận động đối tượng tham gia gặp rất nhiều khó khăn. Điều quan trọng là phần lớn người lao động chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chính sách BHXH cũng như quy trình, thủ tục khi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Đồng quan điểm trên, đại biểu tỉnh Hà Nam cũng khẳng định, cơ quan BHXH chưa có những biện pháp tích cực trong việc khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện tuy được nhận xét là linh hoạt, có thể điều chỉnh theo khả năng của người đóng nhưng vẫn quy định mức thấp nhất hiện nay là bằng 22% mức lương tối thiểu chung – đây vẫn là một khoản tiền không nhỏ đối với thu nhập của đối tượng muốn tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt công tác tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa được triển khai sâu rộng...

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân của việc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp một phần do người lao động Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế, chưa thuận tiện cho người lao động tham gia... Ông Thọ kiến nghị cần mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền vào quỹ... để tạo thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH tự nguyện.

 

Trước đó, chiều 21/2, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 2/2017. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2017, toàn Ngành thu được 33.371 tỉ đồng ; giải quyết chế độ BHXH cho 1,09 triệu lượt người (tăng 50 ngàn lượt người so với cùng kỳ năm 2016); thanh toán chi phí KCB BHYT cho 22,8 triệu lượt người; phối hợp giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 155,3 ngàn lượt người. Số chi BHXH, BHYT ước đến 28/2 là 44 ngàn tỉ đồng...

Cũng tại Hội nghị, nhiều vấn đề “nóng” tiếp tục được đặt ra như: Việc khởi kiện DN trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; điều chỉnh giá dịch vụ y tế; khó khăn trong quản lý khi thực hiện thông tuyến KCB BHYT… Những vấn đề trên cũng đã được đại diện BHXH Việt Nam và Bộ Y tế... giải đáp, làm rõ.