Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), 30 năm thành lập Báo Lao động và Xã hội, Tòa soạn đã nhận được nhiều lời chúc mừng, động viên, chia sẻ, góp ý của lãnh đạo một số đơn vị trong ngành, qua đó giúp tờ báo ngày càng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ:
Thông tin trên báo Lao động và Xã hội ngày càng đa dạng, nhanh nhạy, chính xác
Trong cuộc sống xã hội, thanh tra là một trong những lĩnh vực khó khăn, phức tạp nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hiện tượng sai phạm, viết về các vấn đề này như thế nào cho hợp lý, hợp tình lại càng khó. Nhiều năm qua, một mặt, báo Lao động và Xã hội đã gắn bó mật thiết và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ trong tuyên truyền về lĩnh vực này. Mặt khác, báo đã giúp thanh tra nắm bắt được nhiều vấn đề bức xúc, nhạy cảm mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Thông tin trên báo ngày càng đa dạng, nhanh, nhạy, chính xác, có nhiều bài viết chất lượng về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, các sự kiện, hoạt động nổi bật của Thanh tra Bộ và thanh tra chuyên ngành của các đơn vị trong Bộ, thanh tra các Sở LĐ-TB&XH.
Việc thông tin kịp thời, nhạy bén đã góp phần đưa hoạt động báo chí, tuyên truyền của ngành trở nên sôi động, có sức lan tỏa trong xã hội, được người dân quan tâm, chú ý. Nhờ đó đã góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; kịp thời giúp Bộ xử lý những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Tờ báo còn là diễn đàn để nhân dân và cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, trao đổi vướng mắc trong công tác, dân chủ luận bàn để thấu đáo nhiều mặt của vấn đề, từ đó có giải pháp xử lý phù hợp nhất.
Công tác thanh tra vốn được đánh giá có nhiều yếu tố nhạy cảm, nhất là các thông tin liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mà theo pháp luật được Nhà nước bảo vệ, hoạt động của cơ quan nhà nước không công khai vì lý do an ninh. Thực tiễn đó yêu cầu người làm công tác thanh tra phải đảm bảo bí mật trong hoạt động công vụ. Do đó, việc tuyên truyền về thanh tra của ngành trong thời gian tới cũng cần có sự nhạy bén, khả năng phân tích để truyền tải thông tin đến công chúng một cách chính xác, trung thực mà vẫn đảm bảo không tiết lộ các thông tin không được phép.
Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), 30 năm thành lập báo Lao động và Xã hội, xin chúc toàn thể cán bộ, phóng viên Tòa soạn luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác tuyên truyền các nhiệm vụ của bộ, ngành.
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công:
Tuyên truyền về lĩnh vực người có công - Thế mạnh của Báo Lao động và Xã hội
Trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, luật pháp, chính sách, chế độ nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Các chế độ, chính sách này đã được các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, đạt được nhiều kết quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Những kết quả to lớn ấy có sự đóng góp quan trọng của báo chí, trong đó có báo Lao động và Xã hội, cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH.
Báo Lao động và Xã hội luôn bám sát thực tiễn cuộc sống, tuyên truyền, phản ánh kịp thời, đậm nét luật pháp, chế độ, chính sách đối với người có công, trong đó tập trung đăng tải, giải thích, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật của Quốc hội, các chính sách của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH, chương trình hành động của các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Báo cũng kịp thời phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, gương người có công tiêu biểu, các điển hình tiên tiến trong chăm sóc người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh kịp thời và kiên quyết với những biểu hiện tiêu cực, trục lợi chính sách; không ngừng đổi mới, đa dạng hóa về thể loại, phản ánh kịp thời, nhanh nhạy trên báo điện tử Dân sinh.
Xin chúc mừng cán bộ, phóng viên Tòa soạn qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển và mong rằng báo Lao động và Xã hội tiếp tục phát huy thế mạnh tờ báo của ngành LĐ-TB&XH trong tuyên truyền về công tác người có công thời gian tới.
Bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội:
Báo Lao động và Xã hội góp phần đưa các chính sách của ngành vào cuộc sống
Là cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH, báo Lao động và Xã hội luôn mang tới cho bạn đọc thông tin chính xác, nhanh nhạy, đầy đủ, kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động, người có công và xã hội, trong đó có lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy, chất lượng và uy tín, góp phần đưa các chính sách của ngành LĐ-TB&XH vào cuộc sống.
Báo đã xây dựng các chuyên mục đa dạng (Thời sự, Lao động - Việc làm, An sinh - Xã hội, Đất nước - Con người, Đời sống - Xã hội, Văn hóa - Thể thao, Pháp luật - Đời sống, Kinh tế - Xã hội, Chính sách - Cuộc sống, Sức khỏe và Thế giới). Với những bài viết công phu, nhiều phát hiện mới có sức lan tỏa, không chỉ tạo diễn đàn chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm mà còn đóng góp vào việc định hướng dư luận, nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề xã hội nhạy cảm, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách.
Bằng cách đăng tải các bài viết, phóng sự, tin tức về những vấn đề được xã hội quan tâm, phản ánh kịp thời về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người; tác hại, hậu quả của nghiện ma túy, bán dâm và nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán; giới thiệu những mô hình điển hình, những cách làm sáng tạo, có hiệu quả trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền gương cá nhân tiêu biểu, người cai nghiện thành công, quyết tâm vượt qua lỗi lầm trở thành người thực sự có ích cho xã hội... báo đã tạo ra môi trường cởi mở, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những ý kiến góp ý nhằm xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của bộ, ngành sẽ rất nặng nề, trong đó có lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội. Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới, Báo Lao động và Xã hội cần tiếp tục duy trì đổi mới và sáng tạo; tăng cường tương tác và giao lưu với độc giả, người đọc thông qua trao đổi và phản hồi, tạo môi trường truyền thông đa chiều, nơi mọi người có thể đặt câu hỏi và chia sẻ ý kiến của mình. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo cần nắm bắt những xu hướng mới, phân tích các vấn đề phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, logic và hấp dẫn. Điều này đòi hỏi tòa soạn cần liên tục nâng cao chất lượng và hiệu quả việc sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong báo chí, xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên yêu nghề, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sát thực tiễn để theo kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.