Cán bộ ngân hàng (ở Nghệ An) đánh nhân viên cây xăng rách đầu. Ảnh: KT
Liên tiếp những vụ công chức đánh người
Đầu tiên và ầm ĩ nhất là vụ hai người đàn ông đánh nữ nhân viên hàng không ở sân bay Nội Bài. Một người trong đó bị Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho nghỉ việc. Những tưởng xử nghiêm như thế thì không còn những vụ phản cảm như thế nữa. Ai ngờ, lại liên tiếp xảy ra các vụ việc phản cảm không kém. Đó là cán bộ ngân hàng (ở Nghệ An) đánh nhân viên cây xăng rách đầu; cán bộ kiểm lâm Hòa Bình đánh nhân viên thu phí BOT tại quốc lộ 6; Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đối ngoại - Sở Ngoại vụ Hà Nội đánh Tiến sĩ 76 tuổi phải nhập viện… Vụ sau cùng này có vẻ rất khó hiểu vì ông Phó Giám đốc đánh cụ Tiến sĩ rất vô cớ.
Dẫu là ai, dẫu là ở đâu thì đánh nhau cũng không hay rồi. Đây lại toàn là cán bộ, công chức đánh người đang đi làm, người già cả. Điều này thật là đáng trách. Hơn nữa, đây không phải đánh nhau, mà là cán bộ đánh người (phía bị đánh hầu như không đánh lại). Đây mới chính là điều đáng phải suy ngẫm.
Điều gì khiến cán bộ dùng đến bạo lực?
Lãnh đạo các đơn vị có cán bộ đánh người đều chủ trương xử lý nghiêm. Vụ Tiến sĩ 76 tuổi bị đánh, được chính Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Đã là công chức, lại công chức Hà Nội mà có hành vi vi phạm thì sẽ càng phải xử lý nghiêm hơn nữa”. Hầu hết những người vi phạm đều tỏ ra hối tiếc vì hành vi đánh người của mình. Vậy tại sao lại không tránh được hành vi vừa phản cảm, vừa vi phạm pháp luật này?
Rõ ràng, không ai dạy, không ai cho phép cán bộ đánh người. Là công chức, ai cũng hiểu khi đánh người sẽ bị lên án, thậm chí bị đuổi việc. Ấy vậy mà người ta vẫn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”… Điều này chỉ có thể giải thích, hoặc là những người đó xem thường pháp luật, hoặc là họ sống trong tình trạng quá căng thẳng.
Công chức được xem là một trong những bộ phận tinh túy của xã hội. Vì vậy, đáng ra, dù trong hoàn cảnh nào họ cũng phải tỏ ra lịch lãm, ứng xử có văn hóa để làm gương cho xã hội. Thế mà vì hành vi của một số người, dân chúng đã bắt đầu nghĩ tới cụm từ “bạo lực công chức”. Điều này phải tránh cho bằng được!
Nghè Nghệ/Tạp chí Gia đình và Trẻ em