Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bạo lực gia đình ở nông thôn: Nỗi đau người phụ nữ phải gánh chịu

Quan niệm người vợ phải biết nghe lời chồng, “một điều nhịn, chín điều lành”, rồi tư tưởng“xấu chàng hổ ai” của những người phụ nữ nông thôn, khiến những vụ bạo lực gia đình ở khu vực nông thôn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Cuộc sống bị hủy hoại vì chồng

Vừa qua, TAND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” của đối tượng Chu Văn Đạo gây ra cho người vợ là chị Dương Thị Hồng. Theo cáo trạng, Đạo và chị Hồng kết hôn từ năm 2007 và có với nhau 2 mặt con. Năm 2013, sau khi sinh con thứ hai, chị Hồng bị suy tim và phải điều trị tại bệnh viện. Đạo phải vay hơn 100 triệu đồng để lo cho vợ. Trong thời gian chung sống, hai vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn vì tiền bạc, chị Hồng cho rằng, Đạo ham cờ bạc, còn bị cáo lại biện minh, vợ làm được tiền nhưng không đưa để trả nợ.

Mâu thuẫn gia đình đẩy lên cao khi đầu năm 2015, chị Hồng làm đơn để giải quyết việc ly hôn được TAND huyện Hiệp Hòa thụ lý. Cuối tháng 7/2015, chị Hồng phát hiện mất một số đồ đạc và tài sản cá nhân nên làm đơn trình báo cơ quan chức năng. Ngày 3/8/2015, Đạo bị mời lên trụ sở công an xã để làm việc về vấn đề này. Trưa cùng ngày, sau khi Đạo và chị Hồng làm việc xong với công an xã thì cả hai ra về. Đến đoạn đường tiếp giáp thôn Đông với thôn Chùa, xã Lương Phong, khi đi xe máy song song với nhau thì hai vợ chồng Đạo bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Sau khi dừng xe của vợ, Đạo hất mũ bảo hiểm của chị Hồng rồi rút dao giấu sẵn trong người ra đâm nhiều nhát. Đạo còn “tiện tay” cắt luôn gân chân và gân tay vợ rồi bỏ trốn..

Ảnh minh họa.

Hay như vụ đối tượng Vũ Trung Hiếu (SN 1974), là thanh tra kho bạc nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương) đã đánh vợ là chị Vũ Thị Minh (SN 1974 nhân viên Ngân hàng BIDV chi nhánh tại Hải Dương) hết sức dã man. Do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, Hiếu đã “ra tay” khiến chị Minh bị gãy đến 13 xương sườn, vỡ tim và rách phổi. Khi thấy chị Minh ngất, Hiếu đã bế chị Minh đặt lên giường và hô hoán hàng xóm sang đưa chị Minh đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên do vết thương quá nặng chị Minh đã tử vong.

Không dám lên tiếng vì định kiến giới

Kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện cho thấy: Có tới 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời sống gia đình. Đồng thời trên hơn nửa phụ nữ Việt Nam đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời. Cứ 10 cặp Vợ chồng thì có một cặp từng trải qua các hình thức bạo lực nghiêm trọng nhất. Các số liệu mới được đưa ra đã nêu bật một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Tại một số vùng ở Việt Nam đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cứ 10 phụ nữ, thì có 4 người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ.

Theo nhiều nghiên cứu thì nguyên nhân phổ biến của tình trạng bạo hành gia đình chủ yếu xuất phát từ nhận thức của người dân, nhất là ở miền núi, nông thôn. Trong khi rất nhiều người đàn ông không biết rằng, bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật thì nhiều  bà vợ bị những trận đòn thừa sống thiếu chết mà vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần. Phụ nữ nông thôn không dám nói ra chuyện mình bị bạo hành, bởi họ sợ mọi người chê cười, sợ họ hàng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè, làng xóm, sợ bị mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng” và “xấu chàng hổ ai”…   

 Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian vừa qua văn phòng của ông đã nhận được rất nhiều đơn cầu cứu của nhiều phụ nữ trong tỉnh tố cáo bị chồng bạo hành. Qua nghiên cứu hồ sơ các vụ án này, ông Tú nhận thấy người phụ nữ (nhất là ở vùng nông thôn) thường phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Ngay trong cuộc sống gia đình, làng xóm họ bị coi thường đã đành. Khi bị chồng bạo hành, nhiều người lại không nhận được sự cảm thông từ gia đình, vì vậy họ thường ít dám tố cáo.

Bà Phạm Phương Lê, cán bộ Trung tâm  Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) cho biết, qua nghiên cứu của Csaga cho thấy, người phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn bị chồng bạo hành thường ít khi dám lên tiếng. Và có một sự thật đau đớn là nhiều khi người chồng sai, nhưng người vợ vẫn phải “xin” chồng tha thứ. Do đó mà việc đấu tranh để ngừng nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn còn nhiều gian nan.

Theo thống kê của TAND Tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên, 87% số nạn nhân không tìm đến sự giúp đỡ của cơ quan chức năng.